Ráo riết thu hồi nợ
Vietcombank mới đây thông báo phát mãi nhiều tài sản đảm bảo để thu hồi nợ bao gồm cả bất động sản và động sản. Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là lô hạt nhựa các loại tại Lô 33A, Khu công nghiệp Cái Lân, phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh.
NEM là thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng bị nhà băng ráo riết thu hồi nợ
Cụ thể tài sản rao bán gồm hạt nhựa nguyên sinh, bao hạt nhựa không nhãn mác, hàng nhựa tái chế, bao bì không nhãn má, túi ni lông, bao bì không xác định,…Tổng khối lượng là 273.640 kg. Giá khởi điểm được chào bán là hơn 6,1 tỷ đồng. Đây đều là hàng hoá tồn kho luân chuyển thuộc sở hữu của Công ty TNHH Chế phẩm nhựa Minh Tường Việt Nam, bao gồm lô hàng hoá hạt nhựa các loại.
Trong khi đó, Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc TP Bắc Ninh phát mãi loạt máy móc thiết bị sản xuất đèn led, thiết bị chiếu sáng led tại phường Phong Kê. Tài sản rao bán gồm các máy băng tải tự động dùng để cấp bản mạch trong quá trình sản xuất, máy in kem hàn lên bảng mạch, máy di chuyển bản mạch, máy hàn đối lưu bằng phương pháp nóng chảy,…
Tiếp đó Vietcombank Hải Phòng cũng đăng thông tin bán một khoản nợ của Công ty CP Kinh doanh Kim Khí Hải Phòng và tìm đối tác mua nợ. Phương thức bán là đấu giá hoặc bán thoả thuận. Đáng nói, khoản nợ này không có tài sản bảo đảm. Nhà băng này cho biết nhận hồ sơ đến ngày 22/8/2021.
Không chỉ Vietcombank mà tính từ khi COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nhiều nhà băng đã phát mãi tài sản của các doanh nghiệp. Ví dụ như BIDV đang rao bán khoản nợ của công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus, với tài sản đảm bảo ngoài bất động sản còn có 3 triệu cổ phiếu thời trang NEM. Tổng dư nợ tính đến ngày 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ đồng, nợ lãi 173,8 tỷ đồng, phí phạt quá hạn 67 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến việc xử lý nợ xấu, trước đó, BIDV Thành Nam đã có lần thứ 38 rao bán đấu giá tài sản bảo đảm của công ty Cổ phần Thuý Đạt với giá khởi điểm 11,3 tỷ đồng. Đây là khoản nợ xấu mà BIDV Thành Nam đã tiến hành xử lý suốt từ tháng 6/2018 đến nay nhưng vẫn chưa xong. Có thể thấy để nhanh chóng xử lý dứt điểm khoản nợ xấu này, ngân hàng sẵn sàng bán lẻ từng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp với giá từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng.
Doanh nghiệp lâm vào khó khăn
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, do tình hình dịch bệnh bùng phát, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó bao gồm 35.600 đơn vị tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và 9.900 công ty hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.
Như vậy, trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan…Theo các chuyên gia, nếu không có chính sách hỗ trợ thiết thực và cụ thể từ các cơ quan Chính phủ và NHNN, các doanh nghiệp khó có khả năng vực dậy để phục sản xuất kinh doanh; sẽ dẫn tới tình trạng siết nợ của nhà băng đối với doanh nghiệp được dự báo tăng trong những tháng cuối năm 2021.
Nợ xấu nhà băng dâng cao
Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của 29 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước với gần 124.898 tỷ đồng.
Công cuộc xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong tương lai được dự báo sẽ căng thẳng hơn
Trong đó, Agribank giữ vị trí "quán quân" về dư nợ xấu với gần 24.429 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm trước (báo cáo tài chính riêng lẻ). BIDV đứng kế sau đó với quy mô nợ xấu ở mức 21.141 tỷ đồng, giảm 1,1%; theo đó, cũng là "ông lớn" duy nhất có nợ xấu giảm sau 6 tháng đầu năm...
Báo cáo của NHNN, cho biết, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, tăng từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,78% (cuối tháng 4/2021). NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Trên cơ sở báo cáo của các TCTD, NHNN sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các TCTD cũng bị tác động rất lớn của dịch COVID-19. Ngoài nỗ lực duy trì hoạt động, TCTD còn có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng thông qua các biện pháp như cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, phí. Việc hỗ trợ khách hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của Ngân hàng. Do vậy, quy định các TCTD phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến ngày 31/12/2021 (và tỷ lệ phân bổ tương ứng cho các năm tiếp đến) là khá lớn, rất khó cho TCTD.
Do đó, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi các quy định tại Thông tư 03, NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho các TCTD, giúp các TCTD có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.