Tiếp tục loạt bài “Nghị quyết 30: Đòi hỏi từ thực tiễn công ty nông lâm nghiệp tại Tây Nguyên”, VOV đăng kỳ 2 với nhan đề “Doanh nghiệp và những khoản nợ khổng lồ: Cổ phần hoá bế tắc, phá sản không được, giải thể không xong”. Bài viết đề cập những khó khăn, vướng mắc khiến cho các công ty nông lâm nghiệp nhà nước bế tắc trong quá trình sắp xếp, đổi mới.
Công ty cà phê Đức Lập (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới theo phương án cổ phần hoá, nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối từ năm 2015. Từ đó đến nay, công ty này không thể cổ phần hoá bởi khoản nợ xấu hiện đã trên 174 tỷ đồng. Với số nợ này, doanh nghiệp đang âm vốn chủ sở hữu 52 tỷ đồng khi giá trị doanh nghiệp hiện chỉ được xác định khoảng 122 tỷ đồng.
Ông Phạm Tiến Hùng, Giám đốc Công ty cho biết, khoản nợ này hình thành trong giai đoạn 1999-2001, công ty vay tiền của một số ngân hàng để thu mua và xuất khẩu cà phê với số nợ gốc là khoảng 64 tỷ đồng. Thua lỗ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty rất khó khăn.
“Riêng khoản nợ ngân hàng và nợ các doanh nghiệp thì khoản lãi phát sinh từ 6-7 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, công làm lợi nhuận ra chỉ khoảng 2 tỷ đồng, không đủ bù đắp khoản lãi. Mỗi năm vẫn thua lỗ 5-6 tỷ đồng, do vậy cực kỳ khó khăn. Gần 20 năm nay không tiếp cận được bất cứ nguồn vốn vay nào”, ông Hùng bày tỏ.
Đáng chú ý, những khoản vay của Công ty cà phê Đức Lập tại các ngân hàng được UBND tỉnh Đắk Nông kết luận là cho vay không đúng quy định. Để thực hiện cổ phần hoá, năm 2016, tỉnh Đắk Nông đã có văn bản gửi các ngân hàng đề nghị xoá 100% các khoản lãi phát sinh và một phần nợ gốc cho Công ty này, đảm bảo quy định dương vốn chủ sở hữu. Thế nhưng qua một số thủ tục mua bán, đến cuối năm 2019, toàn bộ khoản nợ tại các ngân hàng đã được bán cho một số doanh nghiệp, cá nhân, việc thương thảo xoá nợ bất thành. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến việc cổ phần hoá khó khăn.
Ông Phạm Tiến Hùng cho biết, địa phương liên tục thu hồi đất của doanh nghiệp. Từ hơn 1.000 ha năm 1997, hiện nay công ty chỉ còn hơn 564 ha. Điều này có thể tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư muốn tham gia cổ phần hoá và có thể dẫn đến cuộc tranh chấp pháp lý nếu phía chủ nợ khởi kiện, nhất là những diện tích địa phương thu hồi phân lô bán nền, thu về hàng trăm tỷ đồng.
Cùng với nông nghiệp, việc sắp xếp, cổ phần hoá trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Tây Nguyên cũng đang bế tắc. Công ty TNHH MTV Nam Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là ví dụ điển hình khi đã 6 năm vẫn chưa cổ phần hoá được theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ. Ông Hà Hữu Thanh, Phó giám đốc phụ trách công ty cho biết, số nợ của công ty hiện nay đã trên 170 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản nợ lương người lao động đã lên đến 20 tỷ đồng, nợ bảo hiểm 24 tỷ đồng. Số còn lại là nợ các đối tác, các tổ chức tín dụng. Những vướng mắc liên quan đến những khoản nợ “khổng lồ”, cùng với những tranh chấp đất đai đã khiến việc cổ phần hoá không thực hiện được. Trong số 1.100 ha cao su của công ty, hiện có tới 800 ha đang tranh chấp với dân. Hơn 6.500 ha rừng giao cho công ty hiện thống kê chỉ còn vỏn vẹn 340 ha còn rừng, còn lại đã bị xâm canh.
“Làm sao cổ phần hoá được khi tất cả đất đai, tài sản chưa giải quyết được với người dân. Hiện tại, người dân tranh chấp trong diện tích đất có tài sản. Không thể sản xuất được, người dân lấn chiếm, khai thác rồi bán luôn, cũng có một số người sang nhượng trên diện tích lấn chiếm đấy. Về phía công ty chỉ có báo cáo với tỉnh thôi, thẩm quyền của tỉnh”, ông Thanh cho biết.
Tương tự như Đắk Nông, tình trạng nợ nần của các công ty nông lâm nghiệp cũng rất phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên. Ông Lê Danh Thắng, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhiều doanh nghiệp, điển hình như Công ty cà phê Buôn Ma Thuột, Công ty cà phê Đray Hlinh, Công ty cà phê ca cao Krông Ana hoạt động kém hiệu quả, nợ nần trong thời gian dài. Theo Luật Doanh nghiệp, các công ty mất cân đối như vậy phải thực hiện phá sản. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị khoá XI và Nghị định 118 năm 2014 của Chính phủ thì không có hình thức phá sản cho các công ty nông lâm nghiệp nhà nước. Các công ty chỉ có thể thực hiện giải thể, nhưng việc giải thể suốt mấy năm nay vẫn chưa xong vì các khoản nợ xấu và tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong các hợp đồng liên doanh, liên kết, giao nhận khoán. Những vướng mắc này cần có sự vào cuộc của các bộ ngành.
“Quá trình thực hiện có những yếu tố khách quan, chủ quan, chưa đạt được mục tiêu như ban đầu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, rà soát lại các quy định của pháp luật, cũng như điều kiện tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, tham mưu cho tỉnh cũng như đề xuất các bộ ngành trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị”, ông Thắng cho biết thêm.
Toàn vùng Tây Nguyên có gần 100 công ty nông lâm nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng khoảng 1,2 triệu ha đất. Từ những năm 1991, việc sắp xếp, đổi mới tại các doanh nghiệp này đã được thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và được đẩy mạnh hơn sau Nghị quyết 30 năm 2014 của Bộ Chính trị khoá XI. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc sắp xếp đổi mới vẫn chưa đạt nhiều kết quả.
Căn nguyên của vấn đề do công tác quản lý yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, tình trạng mất đất, mất rừng, sang nhượng, chuyển đổi, lấn chiếm đất trái phép diễn ra phức tạp. Nhiều bất cập, hạn chế, sai phạm tồn tại suốt từ năm này qua năm khác, chưa được giải quyết. Điều này tất yếu dẫn đến các doanh nghiệp sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá gặp bế tắc, nguồn lực của hàng trăm nghìn ha đất bị lãng phí. Vấn đề này đang cần sự tháo gỡ từ trung ương tới địa phương.
Việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá các công ty nông lâm nghiệp nhà nước tại Tây Nguyên đang vướng cả về thực tiễn lẫn cơ chế, chính sách, pháp luật. Nhìn rõ điều này, tháng 7/2020, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Kết luận số 82 về tiếp tục thực hiện Nghị Quyết số 30 của Bộ Chính trị Khoá XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp. Với việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém và chỉ đạo một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, Kết luận 82 được xem là chìa khoá để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cả về cơ chế, chính sách, pháp luật cho công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá các công ty nông lâm nghiệp cả nước nói chung, tại Tây Nguyên nói riêng thời gian tới. Vấn đề này, VOV sẽ đề cập trong Kỳ 3 cũng là kỳ cuối với nhan đề “Niềm hy vọng, mong mỏi của địa phương, doanh nghiệp”./.