Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với 3 cán bộ đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng về tội nhận hối lộ. Những lùm xùm về vụ thanh tra này cho thấy tình trạng thanh, kiểm tra cùng những sách nhiễu đang gây phiền hà cho giới doanh nghiệp.
Tâm lý nắm kẻ có tóc
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) mới đây có những bình luận về hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp quá nhiều là gánh nặng đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Vị chuyên gia cho rằng thanh tra, kiểm tra vốn là biện pháp quản lý cần thiết của nhà nước, chắc chắn cần được sử dụng để đảm bảo sự tuân thủ, thực thi pháp luật của doanh nghiệp. Nhưng ở nhiều nơi, hiệu quả quản lý chưa thấy đâu, mà thực tế gánh nặng thanh tra lại là ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp. Đó là tần suất thanh tra quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà. Nó tạo thêm chi phí lớn cho doanh nghiệp, làm gián đoạn công việc kinh doanh và triệt tiêu khả năng cạnh tranh.
"Có doanh nghiệp vẫn phản ánh với chúng tôi rằng nhiều đoàn vào doanh nghiệp đã chủ động đổi cách gọi, không còn là đoàn thanh tra, kiểm tra nữa mà là viếng thăm doanh nghiệp. Hạn chế nhất của tình trạng thanh, kiểm tra là căn cứ thực hiện không khoa học, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp không minh bạch. Thường, doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra không phải dựa trên căn cứ, nguy cơ nào cụ thể mà phụ thuộc khá lớn vào sự chủ quan của công chức liên quan", ông Tuấn nói.
Tâm lý nắm kẻ có tóc chứ hơi đâu túm kẻ trọc đầu, doanh nghiệp cứ kinh doanh lớn thì tất nhiên phải sai nhiều, theo ông Tuấn rất phổ biến trong hệ thống cơ quan chính quyền. Vì vậy, công ty càng kinh doanh lớn, càng làm ăn bài bản thì càng phải đón tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Nhiều điều tra doanh nghiệp của VCCI thời gian qua đã khẳng định thực tế phản phát triển này. Thử hỏi làm sao doanh nghiệp có động lực để lớn, để làm ăn bài bản?
CEO của startup với chuỗi 20 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội cũng không ít lần than thở vì bị thanh tra liên miên. Ông kể rằng có đợt 20 ngày đã phải tiếp tới 7 đoàn thanh, kiểm tra.
"Do quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tôi đã phải thành lập thêm một bộ phận chuyên tiếp đón đoàn. Đội đấy gồm 3 người với tổng lương gần 30 triệu đồng. Công việc của đội này là chờ các đoàn kiểm tra đến để in giấy tờ, gọi điện trước để biết cần chuẩn bị cái gì", vị CEO nói.
Ông cho biết trong 120 nhân viên công ty luôn được quán triệt việc xây dựng một doanh nghiệp thực phẩm sạch, không làm gì trái đạo đức, pháp luật. Thường các doanh nghiệp khác sẽ im lặng cam chịu nhưng ông chọn cách chia sẻ thẳng thắn dù xác định có thể sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp sau mỗi lần phàn nàn về thái độ của nhân viên thanh, kiểm tra.
"Tôi muốn sự thay đổi. Nếu vấn đề thanh, kiểm tra quá nhiều không được giải quyết, doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên. Thanh tra đến hú còi xe inh om khiến khách hàng đang mua tưởng có chuyện vi phạm gì lớn lắm", vị CEO phàn nàn trong khi các hộ kinh doanh thực phẩm bẩn tràn lan vỉa hè, ngoài chợ…không kiểm tra nhưng một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch lại khổ sở để tồn tại vì bị thanh tra quá nhiều.
Muôn hình vạn trạng
Cách hành xử nhũng nhiễu doanh nghiệp là muôn hình vạn trạng, trong đó có thanh tra, kiểm tra. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kể, trước đây có một chủ doanh nghiệp hay tham gia thảo luận chính sách. Vị doanh nhân nhiều lần phát biểu, chỉ trong 3 tháng, các cửa hàng của công ty đã bị thanh tra, kiểm tra hơn 20 lần. Vụ việc này từng được Thủ tướng yêu cầu Tp.Hà Nội kiểm tra. Song, cơ quan kiểm tra Hà Nội báo cáo: Qua 18 lần kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiêu hủy "18 kg cam" không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử trên 1,9 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
Mỗi lần kiểm tra phát hiện 1 kg cam, phạt 100.000 đồng. Nếu kiểm tra liên tục mà kết quả như vậy thì có cần kiểm tra nhiều đến như vậy không.
Theo số liệu một khảo sát của VCCI, có 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận họ phải trả các chi phí không chính thức. Các chi phí không chính thức cần phải có khi doanh nghiệp làm thủ tục cấp mặt bằng, cấp giấy phép kinh doanh và tiếp đón các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Kết quả vụ thanh tra Công ty cổ phần Con Cưng gần đây cũng để lại nhiều hệ lụy đối với doanh nghiệp.
Là một chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé trên cả nước với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước, sự vụ kiểm tra đã ảnh hưởng đến uy tín và khiến doanh số ngay lập tức giảm 20% tức 1-2 tỷ/ngày, kéo dài khoảng 3 tháng. Vụ thanh tra Con Cưng rùm beng đến mức Chính phủ cũng phải lên tiếng, chỉ đạo làm rõ.
Mới đây Bộ Công Thương mới chính thức "nghiêm khắc phê bình ông Trịnh Văn Ngọc và yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc với vai trò người đứng đầu trong vụ việc kiểm tra Công ty Cổ phần Con Cưng, không để xảy ra sơ suất khi giải quyết công việc".