Nhiều hành khách từ Hà Nội bắt xe về Hải Phòng đã phải trả thêm 20.000 đồng/người cho mỗi lượt đi. Cụ thể, bình thường giá cước xe khách từ bến xe Gia Lâm về Hải Phòng có mức giá trung bình 100.000 đồng/người, nhưng từ đầu tuần này đã tăng lên 120.000/người (tăng thêm 20%). Tương tự, từ bến xe Mỹ Đình đi Yên Bái, giá vé xe giường nằm bình thường là 270.000 đồng/người nhưng cuối tuần vừa qua, mức giá đã tăng lên 320.000 đồng/người. Với các lượt xe khách chạy về tuyến Bắc Giang tại bến xe Mỹ Đình, giá vé xe giường nằm cũng tăng từ 140.000 đồng lên 170.000 đồng/người.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc bến xe Gia Lâm xác nhận, sau khi giá xăng dầu tăng thêm khoảng 30% so với đầu năm, đến nay bến xe đã ghi nhận một số DN vận tải xe khách liên tỉnh có văn bản thông báo điều chỉnh tăng giá vé. Đề cập đến mức tăng giá mà các DN điều chỉnh ông Vui cho biết, qua xem xét đề xuất của DN vận tải Đoàn Xuân, DN vận tải Hải Âu chạy tuyến Hải Phòng, mức DN muốn điều chỉnh tăng là 20%.
Đại diện Cty Cổ phần bến xe Hà Nội cũng cho biết, tính đến ngày 15/3, đơn vị đã ghi nhận một số DN vận tải hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm có văn bản thông báo tăng giá cước. Theo đại diện Cty Cổ phần bến xe Hà Nội, hiện bến xe đang quản lý về hoạt động, đảm bảo các quy định của nhà nước về hoạt động vận tải khách liên tỉnh, với giá cước, giá vé là do DN được phép điều chỉnh theo giá thị trường và có sự chấp thuận của cơ quan quản lý (Sở Tài chính, Sở GTVT). Do vậy khi DN có thông báo tăng giá cước và có đầy đủ giấy tờ theo quy định, bến xe phải cho DN vận tải niêm yết theo giá mới.
Đại diện DN vận tải Hà Văn, chạy tuyến Hà Nội - Yên Bái cho biết, sau một thời gian dài phải dừng hoạt động do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, DN vận tải cũng muốn giữ ổn định hoạt động để “kéo” hành khách quay lại với xe khách liên tỉnh, tuy nhiên giá nhiên liệu đang chiếm đến 40% chi phí chuyến đi, do giá xăng đến 30% trong vòng hơn 1 tháng qua khiến DN vận tải không thể không tăng giá vé.
Trước việc hàng loạt lĩnh vực vận tải hành khách từ taxi, xe công nghệ đến xe khách liên tỉnh đều đồng loạt tăng cước, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, ông vừa ký văn bản gửi các đơn vị có liên quan, trong đó có các đơn vị quận huyện tiếp nhận kê khai, tăng giá vé; Thanh tra giao thông; các bến xe…
Cụ thể, Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã (tiếp nhận kê khai, điều chỉnh giá cước của DN vận tải hoạt động trên địa bàn) chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở; có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đang thực hiện kê khai giá tại địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã quản lý rà soát các chi phí cấu thành giá, việc điều chỉnh kê khai tăng giá phải phù hợp với tỷ lệ tăng giá nhiên liệu để góp phần vào công tác bình ổn giá chung trên địa bàn thành phố.