Dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp vận tải du lịch ở Nha Trang lao đao. Nhiều người phải bán hết xe trả nợ ngân hàng.
Vừa bán chiếc ôtô cuối cùng để trả nợ ngân hàng, anh Khôi Minh (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết không còn cầm cự nổi sau hơn một năm dịch bùng phát.
Anh Minh cho biết đầu năm 2019 làm thủ tục vay gần 2 tỷ của ngân hàng và cắm sổ đỏ gia đình mua 4 ôtô để đưa đón khách du lịch, chủ yếu là chặng sân bay Cam Ranh - TP Nha Trang.
“Giai đoạn đầu làm ăn khá tốt khi du khách đến đông, nhu cầu đi lại nhiều. Làm ăn thuận lợi nên cuối năm 2019, tôi tiếp tục mua thêm 3 xe nữa và thành lập công ty vận tải chuyên dịch vụ đưa đón sân bay, tham quan các điểm du lịch”, anh Minh kể.
Hàng chục ôtô khách của Công ty Anh Tuấn Phát nằm trong bãi nhiều tháng nay vì dịch Covid-19. Ảnh: An Bình. |
Bán xe trả nợ
Tuy nhiên, đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, việc làm ăn bị ảnh hưởng. Lúc đầu công ty anh Khôi vẫn cố cầm cự để chờ dịch qua tiếp tục làm ăn.
“Đến giữa năm 2021 thì tôi không còn trụ nổi nữa, các khoản nợ bắt đầu phình to và ngân hàng liên tục thông báo sẽ siết nợ bằng cách lấy tài sản khấu trừ”, anh nói và cho biết lúc đó đã quyết định giải thể công ty, rao bán 7 chiếc ôtô để trả nợ cho ngân hàng.
Ở tuổi 45, anh Minh "khởi nghiệp" bằng cách mở shop hoa cùng vợ để trả nốt số nợ ngân hàng và chăm lo cho gia đình. Tương tự, anh Nguyễn Trung cũng đã bán hết gần chục chiếc ôtô để tả nợ ngân hàng.
"Lúc trước khách nhiều nên có bao nhiêu tiền, vay thêm ngân hàng đổ hết vào mua ôtô vận chuyển khách. Nợ quá nhiều mà dịch không biết khi nào hết nên buộc phải bán hết xe để trả ngân hàng. Giờ không dám nghĩ đến việc mua xe chở khách nữa rồi", anh Trung nói.
Tình cảnh của anh Minh, anh Trung không phải điển hình ở Khánh Hòa khi dịch bùng phát. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải chuyên về khách du lịch kiệt quệ, không còn khả năng cầm cự.
Là doanh nghiệp có tiếng trong giới vận tải du lịch ở Nha Trang, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Tuấn Phát, cho biết 2 năm nay doanh nghiệp cố gắng cầm cự, đến nay thì kiệt quệ.
Công ty của ông Tuấn có 25 ôtô khách loại 47 chỗ. Thời điểm chưa có dịch, 25 xe khách của công ty liên tục chạy tour các chặng TP.HCM - Nha Trang, Nha Trang - Vũng Tàu, Nha Trang - Đà Nẵng, Nha Trang - Hà Nội….
“Lúc chưa dịch, công ty liên kết với các doanh nghiệp lữ hành lớn, vận chuyển khách đi khắp cả nước. Nhưng dịch ập đến khi số tiền vay ngân hàng chưa trả xong, giờ lãi mẹ đẻ lãi con khiến doanh nghiệp kiệt quệ”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, với các khoản vay mua xe, công ty đã cố gắng làm việc với ngân hàng để được giãn nợ, khoanh nợ mong cho hết dịch hoạt động lại.
“Trong thời gian nợ, chúng tôi cố gắng nhận tất cả các tour vận chuyển khách để có đồng ra, đồng vào vừa duy trì hoạt động, vừa có tiền trả ngân hàng. Làm ra 5, 10 triệu tôi đều mang đến ngân hàng trả dần để mong họ hiểu doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cầm cự chờ qua dịch
“Chúng tôi nhất quyết không bán xe vì tin rằng dịch sẽ được kiểm soát, ngành du lịch mở cửa sẽ kéo theo du khách đến nghỉ dưỡng trong thời gian tới”, ông Tuấn hy vọng.
Hơn 30 nhân viên lái xe của Công ty Anh Tuấn Phát không bỏ việc mà vẫn bám trụ lại chờ công việc. “Hồi tháng 4, khi mở cửa du lịch cứ tưởng tình hình sẽ thay đổi, ai ngờ đợt dịch mới ập đến lần thứ 4 khiến khó khăn chồng chất”, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Tuấn Phát chia sẻ.
Những doanh nghiệp như của ông Tuấn đã chuẩn bị sẵn sàng khi chính quyền cho phép mở cửa du lịch đón khách.
“Tôi đã liên hệ với các đối tác để nối lại các tour tuyến sẽ thực hiện trong thời gian tới. Nhiều nơi báo đã có khách và chỉ chờ thời gian để đón. Nhân viên công ty cũng đã sẵn sàng vận chuyển khách trong thời gian tới”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn sẵn sàng để đón khách du lịch sau khi chính quyền nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: An Bình. |
Trong khi nhiều người buộc phải bán xe để trả nợ và chuyển nghề thì số khác chọn cách giữ lại phương tiện. Nhiều doanh nghiệp vận tải du lịch cũng chung niềm hy vọng như ông Tuấn khi chính quyền bắt đầu cho phép mở cửa đón khách.
“Tuần trước tôi đã đưa xe đi bảo dưỡng, thay nhớt và đăng kiểm lại để sẵn sàng chở khách dịp cuối năm”, anh Hoàng, một tài xế chuyên chạy chặng sân bay Cam Ranh - Nha Trang cho biết. Anh Hoàng cũng hy vọng lần này mình không còn phải kiếm bãi để gửi xe như hồi tháng 6 vừa qua.
“Chục chiếc xe gửi ở bãi đã được bảo dưỡng, đăng kiểm lại nay sắp có cơ hội được chạy vì các công ty du lịch đã liên hệ để đặt các tour, tuyến chở khách. Hy vọng dịp cuối năm sẽ được đón những chuyến khách đầu tiên đến Nha Trang nghỉ dưỡng”, ông Hoàng Văn Tính, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hy vọng.
Kế hoạch đón khách du lịch của tỉnh Khánh Hòa: Khánh nội địa chia 2 giai đoạn: - Giai đoạn 1 (1-15/10): Ưu tiên “người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa”, tập trung kích cầu du lịch ở những vùng dịch đã được kiểm soát, khuyến khích các doanh nghiệp mở các tour, tuyến ở “vùng xanh” thu hút người trong địa phương đi nghỉ dưỡng. - Giai đoạn 2 (16/10-31/11): Thị trường du lịch sẽ được mở rộng ra các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Thuận, Hà Nội, TP.HCM…. Ưu tiên du khách ở những địa phương đã kiểm soát được dịch và tiêm đủ 2 mũi vaccine. Khách quốc tế chia 2 giai đoạn: - Giai đoạn (16/11-31/12): Khách quốc tế đến Khánh Hòa sẽ được bố trí nghỉ dưỡng ở khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) với 12 resort đang hoạt động, công suất 6.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao. - Giai đoạn 2 (1/1-31/3/2022): Mở rộng việc đón khách ở khu vực thành phố Nha Trang đối với các cơ sở nằm khu biệt lập, như Vinpearl ở đảo Hòn Tre, Hòn Tằm, Champa Island và các cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn phòng, chống dịch… |
(Theo Zing)