Ðang dần đóng băng
Những ngày cuối tháng 4, các DN vận tải khách hào hứng đếm từng ngày, tung khuyến mại kích cầu, xin tăng chuyến để bước vào “vụ gặt” cao điểm hè… Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ập tới cuốn phăng các kế hoạch đó. Tới nay, hoạt động kinh doanh vận tải khách liên tỉnh gần như bị dừng hẳn .
Với hàng không, Bamboo Airways đã thông báo dừng khai thác tất cả các chuyến bay chở khách thường lệ nội địa tới hết ngày 7/8. Pacific Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines không thông báo chính thức nhưng cơ bản cũng dừng khai thác do không có khách. Chỉ còn Vietnam Airlines và Vasco khai thác trên một số đường bay với số chuyến rất hạn chế.
“Đường bay vàng” Hà Nội - TPHCM, Vietnam Airlines được cấp phép 2 chuyến khứ hồi/ngày, nhưng trong 10 ngày cuối tháng 7 chỉ thực hiện được 1 chuyến từ TPHCM đến Thủ đô, do Hà Nội không bố trí được khu cách ly cho khách đến. Hiện tình hình tài chính các hãng đều không mấy khả quan, khi nửa đầu năm đều lỗ hàng nghìn tỷ đồng với lĩnh vực kinh doanh chính (chở khách). Với hãng báo có lãi là do dựa vào hoạt động kinh doanh tài chính bù đắp.
Tương tự như hàng không, toàn mạng đường sắt mỗi ngày chỉ duy trì 1 đôi tàu khách trên tuyến Bắc - Nam. Tuy nhiên, đôi tàu này mang tính chất hỗ trợ an sinh nhiều hơn, bởi không dừng đón/trả khách ở các ga địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, như ga: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên.
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu vận tải của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước và giảm tới 46% so với cùng thời điểm năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19); tổng lỗ trên 415 tỷ đồng.
Với đường bộ, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) cho hay, hiệp hội có hơn 1.600 hội viên, sở hữu khoảng 2/3 tổng số ô tô kinh doanh chở khách toàn quốc.
Hiện tại, toàn bộ xe chở khách đi/đến các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 đều phải tạm dừng. Với xe khách liên tỉnh, về danh nghĩa, các tuyến giữa địa phương chưa áp dụng Chỉ thị 16 đều được thực hiện bình thường.
Tuy nhiên, thực tế số tuyến còn duy trì được không nhiều, nhất là khi tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 lực lượng chức năng không cho xe khách qua, một số địa phương không giãn cách xã hội cũng cấm xe chở khách từ các địa phương khác tới.
“Khoảng 2 tháng nay có tới 80-90% số xe khách dừng hoạt động. Khó khăn, nguy cơ DN vận tải khách phá sản rất lớn”, ông Quyền nói.
Chưa chạm tới được chính sách hỗ trợ
Bộ GTVT cho hay, vận tải hành khách 7 tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn năm trước. Cụ thể, vận tải hành khách giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2020. Chịu tác động nặng nề nhất là đường sắt; lượng khách đi tàu sụt giảm trên 52%. Khách đi bằng đường hàng không giảm trên 32% so với cùng kỳ 2020.
DN tư nhân nên để Nhà nước mua cổ phần
Một trong các đề xuất hỗ trợ DN vượt qua ảnh hưởng dịch COVID-19 từng được nhiều chuyên gia đề xuất (cụ thể trong bài “Bội thực đề xuất Nhà nước giải cứu doanh nghiệp: Chuyển sang mua cổ phần?”, đăng trên Tiền Phong số ra ngày 14/7/2021) là Nhà nước hỗ trợ vốn thông qua mua lại cổ phần DN tư nhân. Với giải pháp này, Nhà nước có thể thông qua Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để mua cổ phần tại DN cần hỗ trợ (tương tự mua cổ phiếu Vietnam Airlines). Các DN tư nhân phải chấp nhận Nhà nước tham gia điều hành, giám sát nếu muốn nhận hỗ trợ. Ðề xuất này tiếp tục được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trưởng khoa Tài chính, Ðại học Kinh tế TPHCM) cho biết: Việc SCIC “bơm tiền” để mua cổ phiếu Vietnam Airlines (đang thực hiện) nói riêng, hay mua cổ phiếu DN ngành hàng không nói chung là rất bình thường. Trên thế giới, mỗi khi DN lớn gặp khó khăn, Chính phủ đứng ra quốc hữu hóa một phần vốn tại DN để giải cứu ngành đó là việc không hiếm gặp. Tuy nhiên, SCIC cần có lộ trình thoái vốn rõ ràng khi thị trường phục hồi, để tính kỷ cương ngân sách phải được tôn trọng.
PHẠM THANH
Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Hoàng Hà (kinh doanh xe khách, du lịch, hợp đồng, taxi, xe buýt…) cho rằng, nhiều chi phí DN vẫn phải trả dù xe không hoạt động.
Ông Hà dẫn chứng, xe không chạy DN vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ (được giảm 30% tới hết năm); vẫn trả phí đăng kiểm định kỳ mỗi năm 2 lần; vẫn phải trả phí để duy trì kết nối hệ thống giám sát hành trình; lãi vay ngân hàng được giảm 2-3% nhưng vẫn phải chịu mức từ 7-8%/năm và luôn đối mặt nguy cơ bị chuyển thành nợ khó đòi, nợ xấu...
Về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, theo ông Hà, đa số DN chưa “chạm” tới. DN của ông là một ví dụ.
Với gói miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, kể cả đề xuất giảm thuế thu nhập DN (Bộ Tài chính đang xây dựng), ông Hà cho rằng, DN không hoạt động, thua lỗ nặng không phải nộp thuế, nên miễn giảm không mấy tác dụng.
“Chỉ mong khi dịch được khống chế, Nhà nước cho khoanh nợ cũ để được vay mới tái hoạt động, giảm thuế tính trên giá xăng dầu, hoặc trích 1 phần thuế hỗ trợ lại DN vận tải. Nhà nước nên miễn phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, vì xe không hoạt động.
Bên cạnh đó nên miễn hoặc giảm 1 nửa thuế giá trị gia tăng với DN vận tải khách”, ông Hà đề xuất.
Với đường sắt, VNR dự báo năm nay sẽ lỗ khoảng 940 tỷ đồng (năm 2020 đã lỗ hơn 1.300 tỷ đồng), hiện toàn tổng công ty có trên 1.500 lao động đang hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương.
Lãnh đạo VNR cho hay, đã đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cấp có thẩm quyền cho tổng công ty vay ưu đãi khoảng 800 tỷ đồng với lãi suất 0%; tiếp tục giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt; miễn, giảm tiền sử dụng đất; ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 cho người lao động đường sắt...
Với DN hàng không, hiện các hãng đã báo cáo Chính phủ một số đề xuất hỗ trợ. Đơn cử như: Đề xuất Nhà nước cho DN hàng không tư nhân vay lãi suất 0% theo hình thức tái cấp vốn (tương tự gói vay của Vietnam Airlines ); thêm gói vay khoảng 25.000 tỷ đồng lãi suất 4%/năm…