Đó là phản ứng của các doanh nghiệp vận tải khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Chí Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng: trong công tác phòng chống dịch thì con người là trọng tâm, chủ thể để giải quyết tận gốc mọi vấn đề.
Thừa lý thuyết…
Theo ông Nguyễn Chí Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng, cho rằng: trong phòng chống dịch thì con người là trọng tâm, chủ thể để giải quyết tận gốc dịch bệnh cũng như mọi vấn đề. Phương tiện vận tải, hàng hoá ít nguy cơ lây nhiễm nên chỉ là thứ yếu. Bởi, khi lái xe đã đáp ứng được các tiêu chí về xét nghiệm âm tính, tiêm vaccine tức là lái xe này đã có “thẻ xanh”, và phương tiện đã có “luồng xanh” thì không có lý do gì để bắt doanh nghiệp phải dừng hoạt động chỉ vì không đáp ứng được 1 trong 6 tiêu chí chính mà bị điểm 0 là hết sức vô lý. Vậy, chúng ta xây dựng “hộ chiếu vaccine” và phương tiện “luồng xanh” để làm gì? – ông Hoàng đặt vấn đề.
Cũng theo ông Hoàng, trong bộ tiêu chí này có nhiều nội dung thiên về lý thuyết hơn là tính khoa học và thực tiễn.
Đơn cử, trong 10 tiêu chí mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, xây dựng thì tiêu chí thứ 5 đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, theo tiêu chí này quy định thì mật độ người tập trung trên phương tiện vận tải (bao gồm nhân viên phục vụ và người điều khiển phương tiện): Vận chuyển không quá 50% sức chứa của phương tiện (xe vận chuyển hàng hóa không quá 2 người trên xe): 10 điểm; Vận chuyển trên 50% đến dưới 70% sức chứa của phương tiện (xe vận chuyển hàng hóa vượt quá 2 người trên xe nhưng có giữ khoảng cách an toàn): 5 điểm; Vận chuyển từ 70% sức chứa của phương tiện trở lên (riêng xe vận chuyển hàng hóa vượt quá 2 người trên xe và không đảm bảo khoảng cách): 0 điểm?
Với tiêu chí này, có thể nói đây là một trong những nội dung thiếu thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong bao nhiêu khó khăn chồng chất do dịch Covid-19 gây ra, doanh nghiệp đã phải oằn mình chống chọi với dịch bệnh; xây dựng và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương với phát sinh thời gian và chi phí như: đăng ký luồng xanh, giấy đi đường, xăng dầu tăng, giấy xét nghiệm PCR, test nhanh… Thế nhưng, nay lại phải giảm 50% sức chứa của phương tiện (tức là giảm tại trọng, xe 15 tấn thì chỉ được phép chở 7,5 tấn hoặc 10 tấn trở xuống, và 2 người người trên xe), trong khi trọng tải của xe được phép chở 15 tấn và tối đa là 3 người là hết sức bất cập.
Đáng nói, trong tiêu chí này, các phương tiện vận tải có chỉ số an toàn (CSAT) dưới 60% hoặc có ít nhất 1 tiêu chí bắt buộc không đạt (bị điểm 0), trong bộ tiêu chí sẽ “không được phép hoạt động” là thiếu cơ sở thực tiễn – ông Hoàng bức xúc.
… thiếu thực tiễn
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phương Quang, cho rằng: Nếu chỉ nói riêng thời gian làm thủ tục về giấy đi đường, đăng ký phương tiện luồng xanh thì doanh nghiệp đã quá mệt mỏi. Nhưng nay, nhiều địa phương lại đưa ra cách quản lý mỗi nơi một kiểu khiến doanh nghiệp kiệt sức và không còn khả năng hồi phục là rất đáng buồn - ông Thuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Thuấn, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để nới lỏng giãn cách, mở cửa, bình thường mới để phục hồi kinh tế. Thế nhưng, bộ tiêu chí này lại có vẻ như “xiết oxy” của doanh nghiệp bằng các mệnh lệnh hành chính, “giấy phép con” thì chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào thế đường cùng.
Ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phương Quang: các địa phương nói chung và TP HCM nói riêng, khi xây dựng các kế hoạch để giám sát, quản lý cần đảm bảo tính thời điểm, linh hoạt và hài hoà… thay vì áp dụng các mệnh lệnh hành chính “nặng tính lý thuyết nhưng thiếu thực tiễn”.
Câu chuyện nhiêu khê về xin giấy đi đường của TP HCM hay việc đổi lái xe, sang hàng (trung chuyển hàng hoá) tại TP Cần Thơ trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cấp khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phương tiện bị ách tắc và không thể lưu thông hàng hoá phục vụ cho sản xuất là rất đáng lưu ý.
Chúng ta thử hình dung 1 phương tiện chở hàng chục tấn rau, củ, quả hay hàng trăm con lợn, và chiếu theo quy định của địa phương thì các phương tiện này phải trung chuyển sang xe khác để được lưu thông thì quả thực là ngoài sức tưởng tượng – ông Thuấn nói.
Theo ông Thuấn, chưa kể, nếu bộ tiêu chí này được thông qua thì nhân lực để thực hiện cho việc này cũng không phải là dễ. Bởi, nếu chỉ tính riêng lực lượng kiểm tra tại chốt phòng chống Covid-19 như hiện nay thì đã có tới 5- 6 đơn vị túc trực để giám sát việc này. Và nay lại phát sinh thêm lực lượng kiểm tra trọng tải (trạm cân), cộng thêm việc nới lỏng giãn cách, người dân sẽ đi lại nhiều hơn thì vấn đề ùn tắc giao thông là hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, các địa phương nói chung và TP HCM nói riêng, khi xây dựng các kế hoạch để giám sát, quản lý cần đảm bảo tính thời điểm, linh hoạt và hài hoà… thay vì áp dụng các mệnh lệnh hành chính “nặng tính lý thuyết nhưng thiếu thực tiễn”, dẫn đến gò bó doanh nghiệp, đặc biệt là ở thời điểm các doanh nghiệp đã kiệt sức là không nên – ông Thuấn nhấn mạnh.