Để cân đối chi phí vận hành khi giá xăng dầu tăng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách tuyến cố định ở TP HCM bắt đầu tăng giá cước từ đầu tháng 3. Tính đến ngày 27-3, Bến xe Miền Đông có 45/153 DN kê khai tăng giá vé, Bến xe Miền Tây có 46/127 DN kê khai tăng giá vé.
Giá vé tăng từ 10%-26%
Sau 5 tháng hoạt động lại nhưng lượng khách mỗi chuyến xe chỉ 15 khách, tài xế Nguyễn Văn Đông (tuyến TP HCM - Đắk Lắk) than doanh thu chỉ bằng 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19. "Mỗi chuyến xe chúng tôi phải kiếm từng khách một, khách ít quá nên phải trông vào số hàng hóa gửi về quê. Khi giá xăng tăng, chủ xe cũng cố gắng gánh gồng nhưng được nửa tháng thì chịu, phải làm đơn xin cơ quan chức năng 2 đầu bến tăng giá cước lên 20.000 đồng/vé" - tài xế Đông cho biết.
Tương tự, một tài xế chạy tuyến TP HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu cho HTX Châu Đức thông tin nhà xe vừa tăng giá cước từ 100.000 đồng/vé lên 120.000 đồng/vé. Theo tài xế này, cực chẳng đã nhà xe mới tăng giá vé. Xe của các DN lớn có lượng khách cố định hoặc nhờ các khoản chi phí khác bù vào, còn các HTX nhỏ nếu không tăng giá vé thì xã viên không cầm cự nổi. "Tăng giá nhưng cũng chỉ tăng nhẹ để bù lỗ chút đỉnh chi phí vận hành. Nhà xe không dám tăng nhiều vì nếu tăng nhiều, hành khách bỏ nhà xe thì xem như chết nữa" - tài xế này bày tỏ.
Tại Bến xe Miền Đông, nhiều DN vận tải đã niêm yết giá mới sau khi tăng. Cụ thể, HTX Đông Hưng (tuyến TP HCM - Phan Rí), giá cước tăng thêm 20.000 đồng so với trước, xe giường nằm từ 140.000 đồng lên 160.000 đồng, xe Limousine từ 230.000 đồng lên 250.000 đồng; hay HTX Phương Lâm (tuyến TP HCM đi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) tăng thêm 10.000 đồng/vé, từ 65.000 đồng lên 75.000 đồng.
Gần đó, nhân viên quầy vé của Công ty TNHH MTV Thành Danh Kim Anh cho biết giá vé tuyến TP HCM - Ea Kar (Đắk Lắk) tăng 50.000 đồng/vé. Theo đó, vé giường nằm lớn từ 350.000 đồng lên 400.000 đồng, vé giường nằm nhỏ từ 300.000 đồng lên 350.000 đồng.
Đại diện hãng xe Phương Trang cho biết áp lực giá xăng tăng đè nặng lên chi phí vận hành, kinh doanh khiến DN gặp nhiều khó khăn, buộc phải điều chỉnh giá cước gần 1 tháng nay. Cụ thể, hãng xe này cân nhắc rất kỹ và điều chỉnh tăng giá cước lên 10% trên tất cả các tuyến để bảo đảm chi phí vận hành. Trong trường hợp giá nhiên liệu có sự biến động, phía công ty sẽ xem xét để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Phù hợp tình hình thực tế
Ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, thông tin khi muốn tăng giá vé, DN tự kê khai, gửi hồ sơ đến Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải; khi hồ sơ hoàn tất, DN gửi cho bến xe để hỗ trợ niêm yết, công khai. Đánh giá việc tăng giá cước của các DN vận tải, ông Chín cho rằng hợp lý bởi chi phí nhiên liệu chiếm 20% - 30% cơ cấu giá vé trong hoạt động vận tải hành khách. Giá xăng tăng cao đã tác động rất lớn đến hoạt động của DN vận tải, nhất là sau dịch Covid-19, hành khách thưa thớt, nhiều hãng xe phải hoạt động cầm chừng, bù lỗ nhiều tháng ròng. Do đó, với nhiều lần giá xăng dầu tăng, nếu không tăng giá vé, DN sẽ không cầm cự nổi.
"Đến nay, lượng hành khách qua bến mỗi ngày chỉ 6.000 lượt, đạt 40% so với bình thường. Mức tăng giá cước đợt này trung bình khoảng 26% là không cao, giúp DN phần nào vượt qua khó khăn trong giai đoạn này" - ông Chín cho hay.
Tương tự, đại diện Bến xe Miền Tây cho biết các DN chỉ dám tăng nhẹ mức giá vì sợ lượng khách vốn ít ỏi sẽ đi phương tiện khác.
Đánh giá về việc tăng giá cước, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng mức tăng phù hợp với tình hình thực tế là 10%-26%. Ngoài ra, số DN kê khai tăng giá vé chiếm 30%-50% tổng số DN không phải là nhiều, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng.
Cho rằng việc tăng giá cước của các DN vận tải là hợp lý, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, lý giải với 7 lần tăng giá xăng dầu đến mức cao ngất ngưởng, lẽ ra DN phải 2-3 lần điều chỉnh giá cước nhưng đã gồng mình đến nay. Thống kê tại 2 bến xe cho thấy chỉ khoảng 30%-50% DN kê khai tăng giá cước với mức 10%-30% so với tổng số DN là không nhiều, mức tăng cũng không cao và không tương xứng với mức tăng giá nhiên liệu.
"Việc tăng giá cước nhằm giúp DN vận tải vượt qua khó khăn sau dịch bệnh và người dân cảm thông, chia sẻ để DN hồi sinh dần dần" - ông Lê Trung Tính nói. Để tháo gỡ những khó khăn này, ông đề xuất Quốc hội sớm thông qua việc giảm thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu. Ngoài ra, các bộ, ngành cần ngồi lại xem xét giảm phí tại các trạm thu phí BOT, hỗ trợ một phần cho DN vận tải.
Giá cước vận tải hàng hóa sẽ tăng 10%-15%
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết hầu hết các DN vận tải hàng hóa đang tính toán để tăng giá cước lên 10%-15%. Hiện nay, các DN đang đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá cho hợp lý. Theo ông Quản, giá xăng dầu chiếm tỉ lệ khá lớn trong cơ cấu giá cước của vận tải hàng hóa, do đó nếu không tăng, các DN sẽ phải bù lỗ. Nhiều DN đã ký hợp đồng với khách hàng từ đầu năm 2022 nhưng biến động giá xăng dầu như thế thì hợp đồng phải đàm phán lại.