Từ chối đơn hàng sợ rủi ro
Công ty gỗ Thiên Minh (TPHCM) - DN có thâm niên trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang các thị trường như Mỹ, châu Âu đang loay hoay với nỗi khổ nhiều đơn hàng nhưng không dám nhận. Ông Trần Lam Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi đã kín đơn hàng từ đây đến cuối năm. Sau dịch, nhiều đối tác nước ngoài tìm đến DN đặt hàng nhưng chúng tôi không dám nhận vì… sợ không đáp ứng được và sợ lỗ”.
Theo ông Sơn, giá cả các nguyên phụ liệu đầu vào đang tăng chóng mặt, và đã tăng từ 20-30% so với trước dịch. Đơn cử, nhôm từ 75.000 đồng lên 95.000 đồng/kg, nhưng sau khi DN vừa “chốt” đơn hàng thì giá nhôm đã vọt lên 105.000 đồng/kg. “Nguyên liệu phụ tăng giá từng ngày và chưa có điểm dừng, DN trở tay không kịp nhận đơn hàng là ôm lỗ. Chính vì vậy, công ty chỉ hoạt động cầm chừng và nghe ngóng giá từng ngày chứ không nhận những đơn hàng lớn như trước” - ông Sơn than thở. Hiện, lượng hàng xuất khẩu của Công ty Thiên Minh cũng giảm.
Thiếu nguyên liệu gỗ cũng là bài toán nan giải với các DN hiện nay. Bà Phan Thị Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho biết, DN đang trong quá trình hồi phục thì gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào khiến sản xuất bị chững lại. Hiện, DN vừa phải tìm nơi cung cấp nguyên liệu thay thế, vừa đối mặt tình trạng giá nguyên liệu tăng phi mã. “Trong tháng 4 nguồn gỗ dự trữ của chúng tôi vẫn còn để sản xuất, nhưng qua tháng 5, và tháng 6, khi gỗ nguyên liệu dự trữ tại các nhà máy hết, chắc chắn phải nhập khẩu số lượng lớn và giá có thể bị đẩy lên. Đến nay, nhà máy của công ty buộc phải thu hẹp sản xuất dù đơn hàng không ít”, bà Trúc nói.
Công nhân sản xuất điều tại doanh nghiệp ở Bình Phước Ảnh: H.C
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh (huyện Củ Chi) - DN chuyên chế biến gỗ nội thất nhìn nhận, khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn bởi giá cước vận tải biển tăng và thiếu hụt container rỗng, chi phí cước tàu biển đã tăng gấp 5-7 lần so với trước dịch. Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000-8.000 USD, đi Mỹ tầm 10.000-12.000 USD. “Đơn hàng dồn dập nhưng DN không dám ký dài hơi vì mọi thứ biến động quá nhanh, quá rủi ro. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của gỗ Việt trên thị trường quốc tế” - ông Bình nói.
Tìm kiếm nguyên liệu từ nhiều thị trường khác cũng là cách để không đứt gãy sản xuất cũng được nhiều DN triển khai. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (Bình Dương), DN phải chấp nhận giá cao. Các cũng có thể nhập gỗ nguyên liệu từ Mỹ, châu Âu hay Đông Âu và các vùng lân cận để thay thế lượng thiếu hụt trên, song phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, năm 2021, phí vận chuyển gỗ từ Mỹ về Việt Nam khoảng 3.000-4.000 USD/container thì nay tăng lên 18.000-20.000 USD/container.
“Khát” điều ở thủ phủ điều Bình Phước
Là thủ phủ điều, nhưng Bình Phước lại đang thiếu điều nguyên liệu khiến các cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu. Ông Tạ Ngọc Tuân, chủ cơ sở chế biến điều Ngọc Tuân (Bình Phước) cho biết, có thể gia công, chế biến 50 tấn điều thô/ngày. Đến nay, khi vụ thu hoạch điều ở Bình Phước sắp kết thúc, cơ sở gần như không mua được hạt điều Bình Phước, trong kho chỉ còn 2.000 tấn điều nhập khẩu từ Campuchia. Theo tính toán, chỉ sau thời gian ngắn nữa, cơ sở phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Cũng theo ông Tuân, đầu ra đã ký hợp đồng với đối tác thì không thể tăng giá, nhưng nguyên liệu thiếu hụt nên có sự cạnh tranh rất lớn về giá giữa các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến, vì thế nguồn cung đầu vào rất khó khăn. “Năm nay, khả năng hoạt động sẽ bị gián đoạn vì điều châu Phi về không kịp” - ông Tuân cho hay.
Ông Đặng Văn Hậu, chủ cơ sở chế biến hạt điều Công Hậu (Bình Phước) cho biết, năm nay, cả Việt Nam và Campuchia đều mất mùa điều nên rất khó mua nguyên liệu. Riêng điều của châu Phi đã có những DN lớn thu mua, phân phối với trữ lượng lớn, dẫn đến giá thành khi về đến cơ sở luôn ở mức cao, nhưng chất lượng điều châu Phi hay Campuchia thì không thể bằng điều Bình Phước.
Theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, ngành chế biến điều đi lên nhờ nông dân. Do đó, cần liên kết với người trồng điều xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Điều này, vừa giúp người nông dân có thu nhập cao, ổn định diện tích trồng điều, mặt khác DN có nguồn nguyên liệu chất lượng cao và ổn định lâu dài.
Ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, Bình Phước là nơi trồng điều nhiều nhất nước với trên 160.000 ha và sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm; Trong khi đó công suất chế biến khoảng 300.000 tấn nhân/năm tức là cần khoảng 1,3 triệu tấn điều thô. Tỉnh này còn có trên 1.000 cơ sở chế biến điều từ lớn nhất đến nhỏ. Theo ông Hậu, điều thô trong nước từ lâu không đáp ứng được toàn bộ nhu cầu chế biến nên phải nhập khẩu. Năm nay, Campuchia và Việt Nam mưa nhiều, sản lượng điều giảm nên càng không đáp ứng được; Châu Phi cũng mất mùa nên nguồn cung giảm. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn có nguồn nguyên liệu nhưng không thể sản xuất. Lý do, trước mùa thu hoạch giá nhân xuống liên tục, nhiều công ty vừa và nhỏ hạch toán giá điều thô ra điều nhân bị lỗ nên giảm mua, đồng thời chờ đợi với hy vọng vụ mới giá điều thô xuống mới mua đưa vào chế biến để không bị lỗ. “Khi vào vụ, năng suất giảm sâu nhưng giá điều cũng không xuống như kỳ vọng. Do vậy, điều nguyên liệu vẫn có sẵn nhưng giá quá cao nên DN không mua được để đưa vào chế biến”, ông Hậu nói.
Việc thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, về lâu dài không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cơ sở chế biến mà đây còn là nỗi lo của rất nhiều lao động đang làm việc ở lĩnh vực này.