Doanh nghiệp Việt cố chen vào chuỗi cung ứng

11/03/2018 20:37
Trong làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam 30 năm qua, theo các chuyên gia, điều đáng tiếc nhất là Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế Việt Nam ở góc độ vốn đầu tư, tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu… thì cũng tạo ra một khoảng cách rất lớn với khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, khi ngành công nghiệp hỗ trợ gần như giẫm chân tại chỗ.

Chính sách "liên doanh" chưa đạt mục tiêu

Một chuyên gia nhiều năm làm trong lĩnh vực công nghiệp điện tử chia sẻ Việt Nam đã từng có cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ khi ban hành chủ trương liên doanh giữa DN FDI với DN trong nước. Chẳng hạn, giai đoạn 1993-1995, hàng loạt thương hiệu lớn của Nhật như Sony, Panasonic, JVC, Toshiba lần lượt lập liên doanh với DN nội địa như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức...

Doanh nghiệp Việt cố chen vào chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam Ảnh: LINH ANH

Chính sách của Việt Nam lúc đó là thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải thành lập liên doanh, dùng hàng rào thuế quan hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu. Khi đó, DN ngoại muốn thâm nhập thị trường Việt Nam phải xây nhà máy sản xuất vì nếu chỉ hoạt động thương mại thì hàng rào thuế quan sẽ rất cao. Các DN trong nước có cơ hội học hỏi về vốn, công nghệ, quản trị từ FDI rồi dần dần có thể tách ra lập thương hiệu riêng, trở thành DN nội địa làm "xương sống" cho nền kinh tế.

Trong phần lớn những giấy phép đầu tư thời kỳ đó cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đều có câu là "Ràng buộc tỉ lệ nội địa hóa". "Nhưng mục tiêu này đã thất bại do thời kỳ đó cơ quan quản lý thiếu cơ chế giám sát, rất nhiều công ty nội địa liên doanh xong có khoản lãi đã không tái đầu tư vào ngành sản xuất chính mà đầu tư đa ngành, mua bất động sản… Hậu quả, sau khi liên doanh không còn, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta vẫn không phát triển như kỳ vọng. Đáng tiếc nhất là chúng ta đã bỏ qua cơ hội xây dựng hạ tầng cho ngành công nghiệp cơ bản, nên bây giờ mới có khoảng trống quá lớn giữa DN trong nước với FDI" - chuyên gia này phân tích.

Năm 1996, Hiệp định về chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO) được Việt Nam và một số nước trong khu vực ASEAN ký kết với cam kết giảm thuế suất xuất khẩu đối với sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại các nước trong khu vực. Mục tiêu của hiệp định này nhằm khuyến khích các tập đoàn nước ngoài gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ bản địa phát triển. Một chuyên gia của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho biết đây là chính sách tốt góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và khoảng năm 1998-2000, ông đã qua Malaysia tìm hiểu, nghiên cứu xem Samsung Việt Nam nên sản xuất mặt hàng gì để được hưởng thuế giữa 2 nước nhưng sau đó DN Việt không tận dụng được cơ hội này cho ngành công nghiệp phụ trợ…

Chờ làn gió mới

Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khoảng trống lớn giữa khu vực FDI với khu vực trong nước khi ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và quá ít DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng. Về nguyên tắc, công ty đa quốc gia nào cũng muốn nguồn cung ứng nguyên phụ liệu của mình được cung cấp tại chỗ để không tốn ngoại tệ, tiết kiệm thời gian và lên kế hoạch sản xuất sát thực tế nhưng với điều kiện chất lượng tốt, giá thành hợp lý.

Không phải DN Việt không làm được ốc vít nhưng làm sao sản xuất được cả triệu con ốc vít với chất lượng như nhau, giá thành thấp và bán cho ai mới là quan trọng. Công nghiệp phụ trợ là sản xuất với số lượng rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm nên phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để tạo lập thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA với các cam kết như hiện nay, việc có chính sách hỗ trợ trực tiếp là rất khó.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho biết đầu tư đến ngưỡng để bảo đảm chất lượng, thời gian giao hàng và giá thành ổn định là thách thức rất lớn đối với DN trong nước. Dù vậy, gần đây đã có tín hiệu khả quan khi lượng DN cung ứng cho các dự án FDI ngày càng nhiều. Như tại SHTP, hiện chỉ tính riêng tổ hợp sản xuất trị giá 2 tỉ USD của Samsung đã có 13 DN trong nước cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào và có 4 DN khác đang được kết nối để có thể trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn này.

Đơn cử, Công ty Minh Nguyên có vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng tại SHTP đang là nhà cung ứng trực tiếp cho Samsung với 28 linh, phụ kiện, không chỉ là vỏ nhựa, bao bì mà bắt đầu được đặt hàng cung cấp bo mạch, một số chi tiết kim loại có độ chính xác cao… Hay như Công ty GES, năm ngoái lượng đặt hàng từ Samsung là 25 triệu USD và dự kiến năm nay sẽ tiếp tục tăng lên. "Mục tiêu đến năm 2020, họ cam kết giá trị sản phẩm nội địa cung ứng tối thiểu đạt 35%, chẳng hạn nếu Samsung xuất khẩu 10 tỉ USD thì các DN trong nước cung ứng sẽ được 3,5 tỉ USD. Có điều trong số 3,5 tỉ USD này, có cả DN nội địa và DN FDI đến từ các nước nên câu chuyện là DN Việt nếu giỏi thì "miếng bánh" này sẽ nhiều hơn" - ông Quốc nói.

Ý KIẾN

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương:

Ưu tiên doanh nghiệp nội

Hiện tại, Việt Nam đã qua giai đoạn phải ưu đãi quá nhiều để thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã là nền kinh tế bình đẳng, kinh tế tư nhân phát triển nên cần có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Nên cân nhắc kỹ dự án nào cần kêu gọi đầu tư nước ngoài, dự án nào nên chọn nhà đầu tư trong nước để tạo cơ hội, khuyến khích DN nội.

Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài rất muốn tận dụng nguồn lực trong nước, thu hút DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị nhưng DN cung ứng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại chưa chủ động và chưa đủ trình độ. Do đó, cần vận động cải thiện môi trường kinh doanh để hướng DN đầu tư khoa học công nghệ để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Song song đó, có chính sách hỗ trợ phát triển khối DN tư nhân, khi khu vực DN này đóng góp khoảng 10% GDP là một tỉ lệ quá nhỏ, trong khi đây là lực lượng quan trọng trong hội nhập và tham gia vào các chuỗi giá trị.

GS-TSKH NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài:

Khuyến khích liên doanh để chuyển giao công nghệ

Đối với một số dự án mà DN Việt Nam đủ năng lực liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, theo tôi, cần khuyến khích thực hiện bằng hình thức "DN liên doanh". Thông qua quan hệ hợp tác cùng có lợi nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị, nâng cao trình độ lành nghề của đội ngũ công nhân, kỹ sư và cán bộ Việt Nam. Nhà nước nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với DN Việt làm công nghiệp hỗ trợ như đối với các tập đoàn kinh tế.

Trong điều kiện DN trong nước đã có tiềm lực lớn hơn, Chính phủ cần thu hút dự án FDI có quy mô trung bình và lớn, không nên có nhiều dự án quá nhỏ, công nghệ trung bình, trừ một số lĩnh vực dịch vụ như tư vấn pháp lý, tài chính, đầu tư... Ngoài ra, các địa phương cần ưu tiên thực hiện dự án đầu tư cho DN và nhà đầu tư trong nước khi họ đã có đủ điều kiện đáp ứng đòi hỏi của từng ngành, lĩnh vực để góp phần thúc đẩy việc tăng nhanh về số lượng, tiềm lực kinh tế, năng lực cạnh tranh của DN Việt trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Ông LÊ HOÀI QUỐC, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM:

Thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa

Nếu như trước đây, người ta nghĩ rằng rất khó để tham gia vào chuỗi cung ứng thì nay, với bài học từ Minh Nguyên làm phụ trợ cho Samsung là hoàn toàn có khả năng khi đầu tư đến ngưỡng, làm tốt từ quản lý, sản xuất đến chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt, đáp ứng đúng yêu cầu của DN FDI.

Và mục tiêu trong thời gian tới của SHTP cũng là tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, ngày càng có nhiều DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của FDI như Samsung, Intel, Jabill, Nidec… Thực tế, từ khoảng năm 2012 đến nay, SHTP đã có kế hoạch chủ động tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với mục tiêu, thúc đẩy giá trị khác như phát triển chuỗi cung ứng nội địa, công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển…

Theo tôi, thu hút các DN FDI vào Việt Nam nhưng cũng cần ràng buộc trách nhiệm trong cam kết để được hưởng ưu đãi, để tác động lan tỏa không chỉ ở giá trị đầu tư mà còn đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa.

Tin mới

Xuất khẩu hồ tiêu tăng giá trị đến 48%
43 phút trước
So với cùng kỳ năm trước, dù lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu lại tăng đến 48%.
"Mỏ vàng" giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu về hơn 211.000 tỷ đồng chỉ trong 10 tháng
2 phút trước
Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, kế hoạch của Việt Nam đối với ngành kinh tế này chắc chắn sẽ đạt được.
[Trên Ghế 39] ‘Mua xe điện Trung Quốc không có trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn, quá nhiều rủi ro'
17 phút trước
Nhà báo Lê Tùng Anh cho rằng, việc mua một mẫu xe điện Trung Quốc không có hạ tầng trạm sạc sẽ không có ý nghĩa gì trong chuyển đổi xanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khách VIP của Thế Giới Di Động sướng thế nào: dán màn hình chỉ mất 10.000đ, vệ sinh máy lạnh giá 30.000đ, thay lọc nước 20.000 đồng dịp cuối năm này
45 phút trước
Đây là những ưu đãi trong chương trình tri ân đặc biệt của nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 1 triệu khách hàng thân thiết dịp cuối năm này.
Cận cảnh phiên bản 2025 của mẫu tay ga được chị em săn đón, giá từ 39,5 triệu đồng
9 phút trước
Bên cạnh nhiều màu sắc mới, Honda Lead 2025 còn được trang bị phanh ABS an toàn.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.