Kể từ khi thành lập, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 nhận được sự ủng hộ của nhiều DN và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, dù gặp nhiều khó khăn nhưng DN Việt vẫn chung tay đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.
Tại lễ ra mắt chính thức Quỹ tối 5/6, các DN nhà nước đã ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Cộng đồng DN tư nhân cũng đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ tài trợ cho Quỹ. Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đã ủng hộ Quỹ số tiền 23,2 tỷ đồng.
Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, đến thời điểm 18h ngày 7/6/2021 đã có 227.862 tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp. Tổng giá trị quy đổi ra đồng Việt Nam là 1.425 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Ngoài ra, theo Ban quản lý, còn 4.553,88 tỷ đồng nhà tài trợ đã cam kết.
Sự chung tay đồng hành cùng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho thấy tinh thần sẻ chia của cộng đồng DN Việt trước những vấn đề cấp bách của đất nước. Sự ủng hộ bằng tiền của, vật chất ấy càng đáng trân trọng hơn khi DN Việt cũng đang đối diện không ít khó khăn bởi dịch bệnh.
Số liệu của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho thấy tình hình DN rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm 2021 là đáng cảnh báo. DN tiếp tục chịu tác động từ dịch bệnh, thể hiện qua việc số DN rút lui khỏi thị trường (bao gồm DN tạm ngừng kinh doanh, DN chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể) tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm DN có quy mô nhỏ.
Tính chung 5 tháng năm 2021, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục có sự gia tăng, với 59.820 DN, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 31.818 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 53,2% tổng số DN rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng năm 2021, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Chính vì thế, những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết để tiếp sức cho khối DN này, để từ đó DN quay trở lại đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho DN như giảm, giãn thời gian nộp thuế, phí, các chính sách tín dụng… Cộng đồng DN vẫn mong mỏi có nhiều chính sách hơn thế. Trong đó, DN mong muốn được tham gia nhiều hơn vào các công trình quan trọng của quốc gia như kết cấu hạ tầng, năng lượng…
Nhìn dòng tiền của DN Việt “cuồn cuộn” chảy vào đầu tư năng lượng như điện mặt trời, điện gió trong 3 năm vừa qua mới thấy một chính sách khuyến khích của Chính phủ có thể giúp huy động được nguồn lực lớn của khu vực tư nhân. Nhiều DN đã lớn lên, trưởng thành lên nhờ quyết sách đó của Chính phủ, thể hiện được năng lực tài chính, kinh nghiệm khi tham gia đầu tư các dự án lớn. Tinh thần này cần được tiếp tục trong thời gian tới, để DN Việt tham gia vào các công trình lớn của đất nước.
Việc tạo điều kiện cho DN Việt đầu tư những dự án đó là cách thức hiệu quả để huy động nguồn lực vốn còn đang chưa được tận dụng hết của người dân, doanh nghiệp, là “phương thuốc hữu hiệu” để DN Việt được tiếp thêm sức mạnh thông qua việc có thêm dự án, thêm việc làm cho người lao động, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách quốc gia. Những chính sách hỗ trợ như thế đồng thời còn giúp ngân sách có thêm nguồn thu từ việc đầu tư, xây dựng, vận hành dự án.
Xét cho cùng, nền móng của một đất nước có vững mạnh hay không phụ thuộc phần lớn vào nội lực của các DN nội địa. DN Việt sống cùng đất nước, từng ngày đóng góp cho nền kinh tế, bất kể tình hình có như thế nào. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, thiên tai, dịch họa, cộng đồng DN Việt lại đóng góp của cải vật chất để chung tay cùng Chính phủ vượt qua khó khăn.
Hải Nam