Chủ tọa đoàn Hội thảo “Bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam”. (Ảnh: AT). |
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Nghiêm Xuân Bắc phát biểu như trên tại Hội thảo “Bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI phối hợp với Hội SHTT Việt Nam (VIPA), Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) và Hiệp hội nhãn hiệu Quốc tế (INTA) tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Tại hội thảo này, hơn một trăm doanh nghiệp trong nước đã được các chuyên gia SHTT trong và ngoài nước hướng dẫn các quy định của pháp luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, các dịch vụ của WIPO dành cho các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp chọn lựa phương thức bảo vệ quyền SHTT hiệu quả ở nước ngoài nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng bền vững.
Theo thống kê của Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2013-2017 có 38 đơn sáng chế của Việt Nam được nộp qua hệ thống Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT) và 523 đơn đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam được nộp qua hệ thống Madrid.
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí nói, mặc dù số lượng đơn còn khiêm tốn, nhưng có thể coi đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp trong nước trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ ở nước ngoài đã được cải thiện hơn.
Cụ thể, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều nhãn hiệu của Việt Nam đã đăng ký bảo hộ và được quốc tế biết đến như: Viettel, Vinamilk, Trung Nguyên, P/S… Dù vậy, Cục SHTT lưu ý các doanh nghiệp trong nước là đã có nhiều trường hợp về việc mất các nhãn hiệu ở nước ngoài, khiến cho hàng hóa của một số doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận thị trường. Việc lấy lại các nhãn hiệu bị mất là rất khó khăn, tốn kém về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.
Theo ông Seth Hay, Trưởng Đại diện văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA): Nếu tận dụng được các hệ thống bảo hộ quyền SHTT quốc tế có hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ được đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn có điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động đầu tư ra nhiều thị trường. Đồng thời hạn chế được những rủi ro về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và việc vi phạm quyền SHTT trên thị trường quốc tế.
Anh Trinh