Cụ thể, một số nhà nhập khẩu phát hiện hồ tiêu bị thiếu hụt so với số lượng ký hợp đồng thực tế, trong khi khối lượng container bao gồm hàng hóa bên trong được cân tại cảng đều thể hiện đủ khối lượng tại thời điểm hạ cảng.
Theo điều tra nội bộ, doanh nghiệp xuất khẩu nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất sang tàu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, việc thiếu hụt hàng hóa này làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế và khách hàng vào hệ thống logistics và vận tải biển của Việt Nam cũng như uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu . Ngoài ra, các doanh nghiệp phải bỏ nhiều chi phí hơn để mua bảo hiểm hàng hóa và xử lý các vụ mất hàng .
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp có hiện tượng mất hàng hóa xuất khẩu cung cấp thông tin để Hiệp hội tổng hợp và báo cáo các cơ quan bộ, ngành xem xét, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng làm việc với các cảng vụ.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được kho ảng 31.300 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch đạt 141 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen đạt hơn 4.540 USD/tấn (tăng 229 USD/tấn so với tháng trước), tiêu trắng đạt 6.100 USD/tấn (tăng 63 USD/tấn).
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 114.400 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch gần 500 triệu USD (tăng 20,6% so với năm ngoái). Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 5 tháng đạt 4.197 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD đối với tiêu đen và 849 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 5 tháng năm 2023.
Theo dự báo, trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại thị trường nội địa, giá hồ tiêu đen tăng mạnh do nguồn cung hạn chế, và xuất khẩu hồ tiêu có thể cán mốc tỷ USD trong năm nay.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cẩn trọng trong hoạt động thu mua và xuất khẩu để tránh gặp rủi ro tương tự như giá cà phê, hay lúa thời gian qua.