Góp ý cho Dự thảo Luật Lao động, một số tổ chức đã cho rằng cần sửa đổi nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo theo hướng gồm trách nhiệm của Nhà nước và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, từ thực tiễn cho thấy, để đáp ứng được yêu cầu hạ tầng này, bên cạnh kinh phí đầu tư, phải bố trí quỹ đất, thực hiện nhiều thủ tục hành chính, tổ chức vận hành nhà trẻ… Những điều này được nhận định không phù hợp chuyên môn doanh nghiệp.
Khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy dù được đầu tư nhà trẻ, nhà mẫu giáo gần doanh nghiệp nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ người lao động mang con tới gửi. Nhiều nguyên nhân được liệt kê như năng lực chưa đáp ứng được, cha mẹ làm thêm giờ nên không thể đón con…
Vì vậy, một số doanh nghiệp, thay vì xây dựng nhà trẻ, chọn cách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động nữ có con nhỏ. Mức hỗ trợ ghi nhận từ 50.000 – 300.000 đồng/tháng với độ tuổi trẻ được nhận khác nhau, thấp nhất là 12 tháng, cao nhất tới 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, lao động nam có con nhỏ thì không.
Quy định này có tính không bắt buộc, chủ yếu là hỗ trợ nên không ít doanh nghiệp không có hành động này.
Nhóm chuyên gia đánh giá tác động giới, trong văn bản góp ý cho Dự thảo cho rằng vấn đề này cần có bàn tay Nhà nước trong việc phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo đáp ứng của các gia đình người lao động, theo địa bàn dân cư.
Chỉ như vậy, hệ thống này mới được tổ chức đúng quy hoạch và trẻ em sẽ được tiếp cận hạ tầng đúng tiêu chuẩn, an toàn, gần nơi sinh sống.
Phía doanh nghiệp khi được hỏi cho biết họ sẵn sàng cùng tham gia với Nhà nước. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về tiền mặt cho lao động nữ hoặc nam đang nuôi con nhỏ để giảm chi phí gửi con tại nhà trẻ. Doanh nghiệp cũng đóng góp vào Quỹ phát triển nhà trẻ, mẫu giáo của nhà nước, mức đóng tối thiểu nên theo tỷ lệ tương ứng với quy mô vốn đầu tư.
"Nhà trẻ, lớp mẫu giáo là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đa số người lao động trong các khu công nghiệp tập trung là lao động nhập cư, tuổi đời còn trẻ, đang trong thời gian sinh đẻ và nuôi con nhỏ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Ông tán đồng với quan điểm cần có sự tham gia, chia sẻ trách nhiệm của cả Nhà nước trong vấn đề này. Thậm chí, Nhà nước giữ trách nhiệm chính.
Cụ thể, Nhà nước phải bảo đảm các chính sách và hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm về nhà trả, lớp mẫu giáo cho con em người lao động. Chính sách bao gồm cả những ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo và hỗ trợ người lao động có con nhỏ, ở cả nam và nữ, thay vì nữ như hiện tại.
Nói thêm về trách nhiệm của doanh nghiệp, Bộ trưởng Dung cho rằng cần chủ động và tích cực trong việc thực hiện những chính sách này.
"Phải xác định những chi phí này chính là những chi phí cho đầu tư, phát triển – là những chi phí mang lại lợi ích bền vững và lâu dài cho doanh nghiệp chứ không phải là những gánh nặng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp", ông nói.