Năm 2020 tình hình kinh tế chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng tình hình xuất khẩu không những giữ được xuất siêu mà còn là điểm sáng, là tiền đề để bước vào năm 2021. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa năm qua đạt 534,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó cán cân thương mại xuất siêu hơn 19 tỷ USD- lớn nhất từ trước tới nay.
Sang năm 2021, theo số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu hàng hóa đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD. Hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại, cũng như thực thi hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu.
Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tận dụng một cách hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu, những chiến lược hội nhập, khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo, chiều ngày 14/5/2021, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) phối hợp cùng Chuyên trang Nhịp sống kinh tế Báo Tổ quốc, Kênh thông tin tài chính CafeF và OSB - đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chiến lược "Kiềng 3 chân" cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bứt tốc phát triển thời Covid".
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành gồm:
- TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung Ương
-Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng Doanh Nghiệp MSB
-Ông Đào Mạnh Khôi – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Thương mại điện tử OSB – Đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam từ 2009 và là 1 trong 2 đối tác thành công nhất của Alibaba trên toàn cầu
Bà Hoàng Thị Hương – Trưởng phòng Xuất Nhập Khẩu – Công ty TNHH Nhựa Quốc Tế Anh Tú.
Là doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19, bà Hoàng Thị Hương, Trưởng phòng Xuất Nhập Khẩu – Công ty TNHH Nhựa Quốc Tế Anh Tú cho biết, do dịch bệnh, do căng tải, cước biển tăng quá cao cũng như biến động lớn về chi phí nguyên vật liệu đã ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, khiến khách hàng của công ty khó khăn, vì thời gian từ lúc sản xuất đến khi giao hàng khoảng 2 tháng, nếu trong 2 tháng giá bình ổn trở lại thì có nghĩa là họ phải bán hàng lỗ. Doanh nghiệp đang phải đối mặt trong việc chốt đơn hàng vì ảnh hưởng giá và chi phí lớn.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng Doanh Nghiệp MSB, đánh giá xuất khẩu thời gian qua tươi sáng, tuy nhiên có một điểm mờ đó là phần đóng góp đến chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI – là điều trăn trở của cơ quan quản lý Nhà nước, của khối ngân hàng, của các sàn thương mại điện tử đó là làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, giúp họ vượt qua khó khăn.
Đối với riêng MSB, trong thời gian qua ngân hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, như số lượng doanh nghiệp thanh toán qua hệ thống của MSB tăng trưởng trên 200% so với 2019, được các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Bước vào 2021, dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, doanh nghiệp đối mặt thách thức lớn, ngân hàng đã sẵn sàng các giải pháp, các gói sản phẩm để đồng hành cùng doanh nghiệp đi đến kết quả xuất sắc hơn nữa.
Ông Đào Mạnh Khôi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Thương mại điện tử OSB – Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 rất nặng nề trên toàn thế giới, kể cả những nền kinh tế lớn, các doanh nghiệp phát triển âm rất lớn. Tuy nhiên Việt Nam là 1 trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng ít trên nền tảng Alibaba, lượng khách truy cập của doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng này tăng lên trong cả năm 2020 tới 36 – 46%, cho thấy doanh nghiệp đang tìm đến kênh TMĐT để làm thay đổi hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Trung bình lượng hỏi hàng trên Alibaba tăng 47% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp VN trước đây coi TMĐT là thứ yếu, nhưng qua dịch bệnh thì họ đã thay đổi nhận thức, tìm đến kênh kinh doanh khác mà không cần gặp mặt.
Alibaba có sự tăng trưởng lớn, người mua tăng tới 101%, người đăng ký mới tăng 15%, tổng tỷ lệ người mua người bán tăng 74% trong năm qua, cho thấy kênh TMĐT rất quan trọng. Các sản phẩm, ngành nghề như máy móc, thiết bị, đồ gia dụng, linh phụ kiện….các sản phẩm thiết yếu đều phát triển.
Trên Alibaba, người mua và bán trên kênh đang trẻ hóa số tuổi. Trước đây tuổi trên 50 kinh doanh nhiều hơn, nhưng hiện tại độ tuổi 18 – 34 đã tăng trưởng nhiều nhất. Họ sử dụng App trên điện thoại.
TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung Ương, đánh giá, sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam được khẳng định trong đại dịch. Tốc độ tăng trưởng trong năm qua giảm đi rất nhiều so với các năm trước cho thấy sự ảnh hưởng là rõ rệt. Trong 3 tháng đầu năm, sự bứt phá mạnh mẽ trong xuất nhập khẩu cho thấy sự phục hồi, phản ánh cầu trên thế giới bắt đầu hồi phục, các nền kinh tế mở cửa trở lại và dòng tiền dồi dào do các nước thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong đại dịch, Việt Nam nổi lên là nước kiểm soát khủng hoảng vô cùng hiệu quả, được thế giới biết đến nhiều hơn, ấn tượng hơn. Việt Nam xưa nay có thể được biết đến với các hàng gia công, nông sản xuất khẩu, nhưng giờ đây được biết đến chúng ta là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng như đồ điện tử, máy móc, thiết bị điện tử, điện thoại di động, công cụ xét nghiệm Covid-19, giải mã gen Covid, chủ động đảm bảo vật tư thiết yếu chống Covid…Hình ảnh Việt Nam, uy tín thương hiệu quốc gia giờ đây thay đổi rất nhiều, chuyển tải thương hiệu, giá trị, uy tín đó vào hoạt động kinh tế.
Các doanh nghiệp có cơ hội rất lớn, cần tranh thủ vào các mặt hàng có lợi thế
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, phân tích như vậy để thấy sức bật của nền kinh tế thời gian qua vô cùng tốt, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tốt, nhất là nhóm FDI, họ có sức tăng trưởng rất lớn. Điều đó cũng không lạ vì doanh nghiệp FDI có mạng lưới trên toàn cầu, do đó họ biết được Việt Nam có thể làm gì, mua gì, bán sản phẩm ở đâu, còn DN Việt Nam mới bắt đầu gia nhập chuỗi cung ứng, cho nên các nền tảng TMĐT, các nền tảng xuất khẩu qua trực tuyến là cầu nối rút ngắn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để họ tìm đến.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn vì chúng ta có 16 hiệp định song phương và đa phương trong đó có 2 cái mới bắt đầu có hiệp lực là CPTPP và EVFTA với nhiều mặt hàng hưởng lợi, các doanh nghiệp cần có chiến lược là tập trung vào mặt hàng mà thế giới cần trong quá trình sau phục hồi, đặc biệt là mặt hàng về tiêu dùng, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chúng ta có lợi thế như máy móc, thiết bị, ô tô, linh kiện điện tử....
Nhìn chung, doanh nghiệp nội địa, đặc biệt doanh nghiệp XNK đang có cơ hội lớn, mỗi doanh nghiệp nên tận dụng tốt chiến lược Kiềng 3 chân đó là: Nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước/hiệp định kinh tế khu vực; Thay đổi chiến lược bán hàng và tìm kiếm kênh phân phối mới đột phá; Tận dụng, tối ưu hóa các giải pháp tài chính ưu việt để tối ưu nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và bứt tốc về doanh số...
Các diễn giả tại buổi Tọa đàm
Nhiều cơ hội
Theo ông Vũ Tú Anh, doanh nghiệp Việt Nam hiện có cơ hội nhiều hơn là thách thức. Cơ hội ở cả cung và cầu.
Về tổng cầu, các thị trường chính của Việt Nam đang phục hồi rất nhanh sau đại dịch như Mỹ, EU, Trung Quốc và sự phục hồi đó đi kèm với nhu cầu gia tăng. Về cung, Việt Nam có lợi thế, Việt Nam và TQ là hai nước bị ảnh hưởng ít, các đối thủ cạnh tranh của chúng ta ở các châu lục khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như vậy cầu tăng, cung lại có lợi thế hơn các đối thủ nên cần tận dụng.
Thách thức, rủi ro đầu tiên là đứt nguồn cung. Nền kinh tế phụ thuộc nguồn cung bên ngoài để sản xuất được, rủi ro nay không còn nhiều do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào TQ, khả năng đứt nguồn cung từ thị trường này không lớn. Rủi ro thứ hai là biến thể của Covid và dịch bệnh bùng phát khó lường. Chúng ta luôn phải trong tâm thế sẵn sàng ứng phó mới có thể vững tâm.
Về chính sách, theo ông Tú Anh, hiện nay Việt Nam có nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các DN XNK trong các lĩnh vực nên tìm hiểu thêm xem Nhà nước có chính sách gì cho lĩnh vực của mình. Theo nhiều nghiên cứu của các tổ chức cho thấy doanh nghiệp XNK, đặc biệt là nhóm SME đang quan tâm chưa đúng mức đối với các chính sách dành cho họ.
Làm sao vượt qua thách thức, khó khăn?
Theo ông Nguyễn Tú Anh, những khó khăn mà doanh nghiệp XNK gặp phải đầu tiên là về thông tin. Nhiều DN chưa biết thông tin thế nào, tiếp xúc với ai để tận dụng được các FTA. Để giải quyết vấn đề này cần có thông tin, nền tảng để hỗ trợ, kết nối họ với các cơ quan quản lý. Nhà nước có các thương vụ ở nước ngoài, có các trung tâm xúc tiến thương mại ở trung ương, tỉnh...doanh nghiệp cần kiên trì.
Thứ hai là vốn. Các DN hiện nay có 5 nhóm ưu tiên, hệ thống ngân hàng đang hỗ trợ lãi suất cạnh tranh giúp doanh nghiệp có được vốn rẻ để cạnh tranh được. DN XK thường có nguồn ngoại tệ về, nguồn doanh thu rõ ràng bằng các LC, các hợp đồng hoàn toàn có thể được cấp vốn. Tất nhiên các ngân hàng cũng phải tính đến các rủi ro và đưa ra biện pháp phòng ngừa rủi ro hợp lý.
Đồng tình với quan điểm của ông Tú Anh, đại diện MSB cho biết các ngân hàng cũng đang quan tâm đến vấn đề cấp vốn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn nhà băng này đưa ra các gói giải pháp làm sao doanh nghiệp khi bắt đầu xây dựng phương án thu mua nguyên liệu, có thể dựa trên hợp đồng đầu ra, khoản phải thu..., không/chưa đủ tài sản đảm bảo vẫn được cấp vốn để kinh doanh trong thời gian sắp tới.
Ông Đào Mạnh Khôi chia sẻ, bản thân ông và Alibaba đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp và thấy rằng cơ quan quản lý cần giúp các DN tham gia thương mại điện tử, chẳng hạn gói dịch vụ cho các doanh nghiệp chưa biết về kênh xuất khẩu online. Về phía ngân hàng cần có các gói cho DN XNK bằng hình thức thanh toán phù hợp với từng nhóm ngành nghề, sản phẩm thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp XNK hiện nay.
Đáp lời ông Đào Mạnh Khôi, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết hiện nay nền kinh tế có chiến lược về chuyển đổi số, chiến lược về kinh tế số, mà hai lĩnh vực đi đầu là Fintech và TMĐT. Năng lực cạnh tranh của đất nước sẽ phụ thuộc vào chuyển đổi số thành công, với các chiến sĩ tiên phong là các ngân hàng và thương mại điện tử, nếu tạo được cú hích lớn sẽ kéo theo nền kinh tế đi lên.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng Doanh Nghiệp MSB tiếp lời, sẽ cùng làm việc với Alibaba để tìm tiếng nói chung về các giải pháp làm sao để hỗ trợ được tối đa các doanh nghiệp XNK.
Thay đổi kênh bán hàng, thay thế kênh phân phối mới mang tới cơ hội cho doanh nghiệp XNK
Ông Đào Mạnh Khôi, đại diện OSB cho biết hiện nay Alibaba là kênh TMĐT lớn nhất thế giới, có mặt tại hơn 200 quốc gia. Mới đây đơn vị này đã ký kết với các cơ quan quản lý (Bộ Công thương) để hỗ trợ năng lực cạnh tranh của các DN XNK Việt Nam. Cơ hội tiềm năng phát triển của DN qua nền tảng Alibaba là rất lớn với trên 150 triệu thành viên hoạt động để giao thương, hàng ngày có hơn 10 triệu người mua hàng (thường xuyên mua hàng, tìm kiếm) trên toàn cầu, hơn 300 nghìn thư hỏi hàng mỗi ngày...đang hỗ trợ tích cực cho các DN, đặc biệt là nhóm SME. Nếu tham gia sàn TMĐT đông thì cơ hội chốt đơn rất cao.
Ông Khôi cho biết thêm, Alibaba thường xuyên hỗ trợ khách hàng bằng cách đào tạo họ, gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến chia sẻ để nắm bắt cơ hội. Kinh doanh online cơ bản cần 4 bước đầu tiên là KH tìm được sản phẩm, thứ 2 là người mua click xem sản phẩm, thứ 3 là hỏi mua và thứ 4 là đặt hàng. Nếu không làm tốt 4 bước này sẽ khó tiếp cận người mua. Từng bước phải có kỹ năng, kỹ thuật và kiên trì hoạt động như kinh doanh một cửa hàng trên nền tảng này để thu hút người mua người bán.
Bà Hoàng Thị Hương – Trưởng phòng Xuất Nhập Khẩu – Công ty TNHH Nhựa Quốc Tế Anh Tú chia sẻ, qua thực tiễn kinh doanh trên Alibaba công ty của bà nhận được nhiều đơn hàng, ổn định sản xuất, tự tin mở rộng hoạt động. Từ một công ty non trẻ, yếu về cả thị trường lẫn vốn, thì hiện tại các sản phẩm chậu trồng hoa, chậu trồng cây của công ty đã được với đông đảo người dùng biết đến không chỉ trong nước mà ở cả mạng lưới siêu thị tại Hàn Quốc, Nhật Bản, và gần nhất là Mỹ.
"Nhờ kênh kinh doanh không biên giới, toàn cầu hóa, chúng tôi đã tốt lên, sản phẩm của chúng tôi đã lan rộng, có đơn hàng 1 triệu USD mỗi năm, vào được các thị trường khó tính nhất" - bà Hương nói.
Sau khi tốt lên, công ty của bà Hương đã chuyển mình, thay đổi, có trách nhiệm hơn với xã hội nhưt inh thần bảo vệ môi trường, tham gia các tổ chức trách nhiệm xã hội và chỉ có vậy mới bán hàng được vào các thị trường khó tính. Bán hàng xuất khẩu là cách rất tốt để thay đổi chính mình.
Bà Hoàng Thị Hương và ông Đào Mạnh Khôi chia sẻ tại Tọa đàm
Hỗ trợ doanh nghiệp XNK thế nào khi kinh doanh qua sàn TMĐT?
Ông Đào Mạnh Khôi chia sẻ, trong năm qua Alibaba tăng đột biến về mọi chỉ số nhờ nhu cầu giao dịch thương mại điện tử tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tạo thành thói quen mới, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp.
Ông Khôi cho biết thời gian qua OSB - đại lý ủy quyền của Alibaba, đã đào tạo các doanh nghiệp từ cơ bản đến nâng cao để doanh nghiệp tự tin kinh doanh trên nền tảng TMĐT (đăng sản phẩm thế nào, trả lời khách hàng ra sao, thanh toán thế nào, thời gian nào tương tác hợp lý...)
Đại diện OSB gửi 6 lời khuyên tới các doanh nghiệp, trong đó cần có người (nhân sự) chăm sóc sản phẩm của mình trên kênh TMĐT để khách hàng tiếp cận được dễ hơn, nhiều hơn. Kinh nghiệm kinh doanh giao thương quốc tế thì cần phải tiếp cận nhiều hơn tới đối tượng khách hàng chứ không phải ngồi chờ họ tìm đến mình, nhiều khi phải gọi trực tiếp đến họ, tăng tính chủ động tương tác hai chiều. Tiếp nữa là có giá cả cạnh tranh - TMĐT là thế giới phẳng, check giá dễ dàng nên không chỉ cạnh tranh về chất lượng mà giá cả thì mới cạnh tranh được. Thêm nữa, các DN cần có kênh thanh toán ngân hàng (ví dụ như khi mới gia nhập họ chưa biết thanh toán ra sao, bảo hiểm, giao vận thế nào, mở LC ra sao...thì hiện tại Alibaba có hỗ trợ cho khách hàng)...Ông Khôi đồng thời đề nghị ngân hàng MSB có thể đưa ra các giải pháp để đồng hành cùng Alibaba hỗ trợ khách hàng.
Đại diện MSB trong khi đó cho biết, đối với các ngân hàng, khi đồng hành cùng DN XNK, bản thân ngân hàng luôn hiểu rằng có 4 thách thức mà doanh nghiệp phải đối diện đó là vốn, chi phí, thủ tục, phòng ngừa rủi ro về tỷ giá.
Về vốn, khi DN tiếp cận với ngân hàng về vốn họ quan tâm 2 thứ là nếu có tài sản đảm bảo thì được vay bao nhiêu. Hiện MSB cho vay tới 2,5 lần giá trị tài sản trong khi thị trường cho vay 70 - 80%. Nếu doanh nghiệp không đủ tài sản thì cần ngân hàng hỗ trợ tín chấp, hiện ngân hàng có thể cho vay khách SME tới 200 tỷ, trong đó tín chấp là 100 tỷ trên cơ sở quản lý hợp đồng đầu ra...Về sản phẩm, hiện ngân hàng có giải pháp giúp DN trả chậm ngân hàng nhưng đối tác có thể nhận tiền ngay...
Về chi phí, hiện ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ để cho vay doanh nghiệp, hiện cho vay USD chỉ khoảng 3%/năm, còn VND là 6%/năm, tùy đặc thù khách hàng. Đây là mức lãi suất hấp dẫn. Về phí giao dịch, hiện ngân hàng có các gói giải pháp giảm 30% về tài trợ thương mại.
Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng Doanh Nghiệp MSB chia sẻ tại Tọa đàm
Về thủ tục, để vận hành thanh toán XNK tiện lợi, ngân hàng có đội ngũ chuyên gia để tư vấn, đồng hành với DN trong xử lý thủ tục với hải quan, thanh toán quốc tế. Ngân hàng quan tâm đến việc làm sao tiện lợi cho khách hàng.
Về rủi ro tỷ giá, các DN nhất là DN nhập khẩu rất quan tâm rủi ro tỷ giá, rủi ro tỷ giá có thể bào mòn lợi nhuận của họ. Hiện nay trên thị trường có nhiều công cụ, sản phẩm phái sinh, giao dịch kỳ hạn...về mặt sản phẩm và dịch vụ các ngân hàng khá tương đồng. Nhưng DN cần tư vấn, dự báo sử dụng công cụ, sản phẩm nào cho hiệu quả và MSB đang có.