Bài toán nguồn gốc nguyên liệu
Là DN chuyên gia công hàng may mặc cho các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… Cty Việt Thắng Jean (thành phố Thủ Đức) không chỉ áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh mà còn đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Cty Việt Thắng Jean cho biết, việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể tác động tới chuỗi cung ứng dệt may. Nhiều DN tại Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, nên có thể bị ảnh hưởng vì vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Cty Kềm Nghĩa biến thách thức thành cơ hội để tăng tốc xuất khẩu . Ảnh: U.P
“Hiện nay, hàng rào kỹ thuật của Mỹ rất rõ ràng. DN phải khai báo đầy đủ liên kết chuỗi cung ứng, từ nguồn gốc bông đến quá trình sản xuất. DN muốn xuất khẩu vào Mỹ cần đầu tư mạnh vào truy xuất nguồn gốc nguyên liệu để đáp ứng các quy định khắt khe của quốc gia này” - ông Việt cho biết.
Chia sẻ về tình hình thị trường, ông Trần Minh Tú, Phó tổng giám đốc Cty Kềm Nghĩa (khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chăm sóc móng như kềm cắt móng, giũa móng, bấm móng… nhìn nhận, trong năm 2025, thách thức lớn nhất với DN xuất khẩu hiện nay chính là nguồn cung nguyên liệu. Đặc biệt, việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa sử dụng nguyên liệu Trung Quốc trên toàn cầu khiến nhiều DN phải tìm kiếm nguồn cung thay thế.
“Tại Cty Kềm Nghĩa, chúng tôi đã chủ động đầu vào nguyên liệu đang sử dụng phần lớn Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những đối tác chiến lược của Mỹ, giúp Cty tránh được ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan . Hiện, Kềm Nghĩa đang xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang Mỹ chiếm tỷ lệ khoảng 15%, còn lại nhiều Việt kiều về nước mua mang đi Mỹ” - ông Tú cho biết.
Nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ” cũng được các DN tận dụng để giảm thiểu rủi ro xuất khẩu . Theo Tập đoàn Vina T&T chuyên xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính, đến hiện tại, chưa thấy động thái nào của Mỹ đánh thuế vào mặt hàng trái cây tươi. Do đó, DN này vẫn đang xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan lên mặt hàng trái cây tươi, chắc chắn người tiêu dùng Mỹ sẽ cân nhắc về giá. “Chúng tôi cũng đã có những chiến lược ứng phó nếu trường hợp bị áp thuế quan cao, như tìm kiếm, khai thác thị trường mới có thuế quan thấp hơn hoặc không áp dụng thuế quan . Đồng thời cải tiến sản phẩm, tăng chất lượng để cạnh tranh và tăng giá bán; xây dựng thương hiệu mạnh…” - đại diện Vina T&T nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM cũng cho biết, ngoài thị trường trọng điểm là Mỹ, các DN Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước cũng như hạ chi phí sản xuất do đổi mới công nghệ, để mở rộng thêm bạn hàng tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản. “Dự báo năm 2025, thị trường ngành cao su - nhựa tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, đơn hàng của các DN trong ngành sẽ tiếp tục tăng mạnh” - ông Quốc Anh chia sẻ.
Thách thức lẫn cơ hội
Ông Trần Minh Tú nhận định, bao giờ trong thách thức cũng có cơ hội. Đó là khi Mỹ đánh thuế Trung Quốc, đồng nghĩa với việc các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn khi tiếp cận thị trường này. Đây chính là cơ hội để Kềm Nghĩa mở rộng thị phần, thay thế một số dòng sản phẩm mà Trung Quốc đang cung cấp. Hơn nữa, ngành sản xuất kềm chuyên dụng cho lĩnh vực nail (móng tay, chân) tại Mỹ chưa có DN nội địa sản xuất. Vì vậy, khả năng Mỹ áp thuế với ngành này từ Việt Nam là khá thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, các chính sách thuế quan đã công bố của Mỹ chưa tác động trực tiếp đến Việt Nam. Mỹ là thị trường truyền thống của ngành dệt may và chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hiện các DN của ngành đã có đơn hàng đến giữa năm 2025.
Thị trường thương mại thế giới dự báo sẽ có xáo trộn khi Mỹ áp thuế, nhưng đây cũng chính là cơ hội cho DN trong nước. Đó là, tổng cầu về hàng may mặc vẫn có xu hướng tăng. Chưa kể khi một số quốc gia khác bị áp thuế gia tăng thì có thể lượng đơn hàng từ người mua ở Mỹ có thể gia tăng chuyển sang Việt Nam. “Với nhiều tín hiệu tích cực, khả năng năm 2025 ngành dệt may có thể xuất khẩu tăng trưởng 2 con số so với năm 2024 để hướng tới mức 50 tỷ USD. Tuy nhiên DN cần cẩn trọng về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, nhất là việc chuyển dịch vào Việt Nam để xuất khẩu nhằm tránh bị áp thuế, gây bất lợi cho hàng Việt Nam” - ông Hồng lưu ý.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, trước chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ, chưa biết có những thuận lợi và khó khăn gì nhưng bản thân các DN vẫn cần chủ động để có bước đi phù hợp với hoàn cảnh. “Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục chính sách hạ lãi suất vay vốn, tăng kết nối ngân hàng phục vụ cho những chương trình lớn như hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ xuất khẩu , phát triển nông nghiệp... Với điều kiện thuận lợi, mong rằng nhu cầu vay vốn của DN để phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên trong thời gian tới” - ông Tuệ nói.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trước nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng, chúng ta không quá bi quan. Có thể có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang Mỹ ở một số nhóm hàng nào đó nếu có lợi thế về thuế quan so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, không nên tận dụng cơ hội này quá mức ở thời điểm hiện tại. Bởi nếu nhóm hàng nào đó của Việt Nam gia tăng xuất sang Mỹ thì tương ứng có thể các DN nội địa nước này sẽ đệ đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá và sản phẩm Việt lại bị áp thuế cao hơn.
Xem biến động thuế quan là động lực
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT nói rằng, cuộc thương chiến này mang đến cho Việt Nam cơ hội tái cấu trúc các chuỗi cung ứng. Sẽ không bền vững nếu chỉ trở thành trạm trung chuyển cho khâu đóng gói đơn giản. Thay vào đó, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn để triển khai các quy trình công nghệ mang lại giá trị gia tăng. "Có hai hướng để DN "làm mới" chuỗi cung ứng của mình. Thứ nhất, thiết kế lại với các nguồn cung ứng thứ hai, tốt hơn là có một nguồn thứ hai bên ngoài nguồn cung chính như lâu nay. Thứ hai, nên thiết kế lại việc sử dụng nguồn cung nội địa, có thể là tại địa phương hoặc vùng lân cận' - TS Hùng nhấn mạnh.