"Bén duyên" với kinh doanh từ khi còn nhỏ
Giữa những năm 1990, Ravi Modi thường đi loanh quanh trong cửa hàng quần áo của cha ở Kolkata sau khi đi học về. Từ năm 13 tuổi, Modi đã có hứng thú với việc kinh doanh. Ở cửa hàng của cha, ông thấy cha mình chỉ quần jeans, áo phông, quần tây và quần short cho nam giới, nhưng cửa hàng lại không có trang phục truyền thống của Ấn Độ.
Modi kể lại: "Nhu cầu của người mua thì có, nhưng nguồn cung lại không." Do đó, ông đã cố gắng thuyết phục cha bán áo "kurtas" (áo dáng rộng, không cổ) và pajama (quần dài có dây rút) nhưng lại không thành. Vì vậy, khi cha đi hành hương vào năm 1996, khi ông 19 tuổi, Modi đã tìm mua 100 bộ kurta-pyjama cho nam và bán được 80 bộ chỉ vào những ngày cuối tuần.
Modi chia sẻ: "Khi cha tôi về nhà, ông ấy đã rất giận dữ. Nhưng khi thấy tôi bán được 80 bộ quần áo thì ông ấy lại rất vui." Ngay sau đó, cha con Modi đã bắt đầu bán quần áo truyền thống của Ấn Độ cho nam giới.
Năm 1999, ông đã mở rộng hoạt động kinh doanh với thương hiệu Manyavar (có nghĩa là sự tôn trọng trong tiếng Hindi). Ông khởi nghiệp chỉ với 1 nhân viên và 10.000 rupee đi vay của mẹ. Cửa hàng của Modi bán những bộ kurta-pajama may sẵn với giá 200 rupee cho các cửa hàng đồ cũ ở khắp miền đông, trung và bắc Ấn Độ.
Năm 2008, 2 năm sau khi cha mất, Modi mở cửa hàng Manyavar đầu tiên. Theo Axis Capital, thương hiệu này dẫn đầu thị trường trang phục cưới và lễ kỷ niệm cho nam giới Ấn Độ, đóng góp phần lớn vào doanh thu của Vedant Fashions. Các nhà phân tích cho biết, thế mạnh của Manyavar là mức giá hợp lý. Kurtas cho nam được bán với giá 2.000 – 5.000 rupee (24-61 USD) và sherwanis có giá từ 15.000 -30.000 rupee.
Vào tháng 2 năm nay, Modi đã niêm yết 15% cổ phần của công ty trên các sàn giao dịch ở Ấn Độ, đưa khối tài sản của ông lên 3,75 tỷ USD. Modi cũng lần đầu trở thành một trong những người giàu nhất Ấn Độ trong năm nay.
Công việc làm ăn khởi sắc nhờ những dịp lễ lớn
Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, doanh thu của Vedant Fashions đã tăng 84% lên 10,4 tỷ rupee (138 triệu USD), lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi lên hơn 3,1 tỷ rupee. Những con số ấn tượng này đạt được sau thời gian gặp khó khăn vì Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu vẫn cao hơn 30% so với năm tài chính 2019, lợi nhuận tăng 79%. Hãng đầu tư Axis Capital dự báo doanh thu và lợi nhuận của công ty may mặc này sẽ tăng gần 30% trong 2 năm tài chính tiếp theo.
Các dòng trang phục truyền thống của Ấn Độ mà Vedant Fashions đang kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh của Vedant Fashions khởi sắc là nhờ xu hướng tổ chức đám cưới kéo dài nhiều ngày ở Ấn Độ, với lễ cưới, tiệc chiêu đãi và những buổi tiệc chào mừng, nghi lê tôn giáo và các buổi lễ kỷ niệm khác được tổ chức. Theo hãng phân tích Crisil, các đám cưới ở quốc gia tỷ dân này ngày càng hoành tráng hơn, khi thu nhập khả dụng tăng cao giúp người dân mạnh tay chi tiêu cho những lĩnh vực không thiết yếu.
Vedant Fashions khi mới thành lập bán các mẫu quần áo truyền thống như pajama và saris (trang phục của phụ nữ Ấn Độ, dùng quấn quanh cơ thể), kurtas, lehengas (loại váy dài đến mắt cá chân) và bộ salwar (gồm quần và áo dài). Vedant Fashions thiết kế các sản phẩm may mặc nhưng phần lớn do một bên thứ 3 gia công và có 590 cửa hàng tại 228 thành phố của Ấn Độ, 13 cửa hàng ở Bắc Mỹ và UAE. Dòng sản phẩm đặc biệt của hãng là Manyavar có các trang phục truyền thống sử dụng trong các dịp lễ kỷ niệm cho nam giới. Còn thương hiệu Mohey là phân khúc tương tự dành cho nữ giới. Cả 2 đều bán các sản phẩm giá phải chăng.
Bên trong một cửa hàng Manyavar.
Modi cũng triển khai các thương hiệu khác cao cấp dành cho nam, đó là Tvamev và Manthan. Năm 2017, ông đã mua lại công ty đối thủ Mebaz nhưng không tiết lộ giá trị của thương vụ, nhằm cung cấp trang phục tầm trung và cao cấp tại thị trường Ấn Độ. Các thương hiệu của công ty được bán thông qua các đại lý độc quyền và đa thương hiệu, cùng các nhà bán lẻ lớn và nền tảng mua sắm trực tuyến.
1/3 dân số Ấn Độ nằm trong độ tuổi kết hôn. Theo đó, Crisil ước tính quốc gia này có tới khoảng 10 triệu đám cưới mỗi năm. Vedant Fasions cho biết dịch vụ của họ sẽ phục vụ khoảng 30 lễ hội và lễ quốc gia. Theo Modi, công ty đang chuẩn bị đón quý cuối năm với hoạt động kinh doanh nở rộ vì trùng với mùa cưới đầu tiên kể (thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 1) kể từ Covid-19.
Yếu tố giúp Modi thành công nhờ việc ông là người tiên phong bước vào thị trường đồ may mặc sẵn cho nam giới, với một danh mục hoàn toàn mới đó là quần áo cưới. Tuy nhiên, ông cũng định hướng công ty về việc không chỉ phục vụ nhiều phân khúc khách hàng, mà còn quan tâm đến sở thích theo từng khu vực. Chẳng hạn, các cửa hàng có sẵn cả dhotis (trang phục truyền thống ở miền nam Ấn Độ) và angavastram (vải đeo vai cho nam giới).
Năm 2016, Modi bắt đầu chuyển sang mô hình nhượng quyền. Cách phát triển này giúp doanh nghiệp của ông mở rộng mà không chịu áp lực bởi các khoản nợ lớn, đồng thời vẫn có quyền kiểm soát hàng tồn kho và hoạt động tiếp thị. Modi thường xuyên liên hệ với các bên nhượng quyền và nắm rõ dữ liệu.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường này. Aditya Birla Fashion & Retail – công ty của tỷ phú Kumar Birla (đứng thứ 9 trong số 100 người giàu nhất Ấn Độ), cũng tung ra trang phục lễ kỷ niệm cho nam giới vào năm 2021. Những đối thủ khác bao gồm TCNS Clothing, Fab India, Neeru's, Nalli và Swayamvar.
Modi vẫn rất lạc quan vì theo ông, cứ 30 - 40km ở Ấn Độ lại có một nền văn hóa hay thứ tiếng khác. Ông cho rằng Vedant Fashion có thể cung cấp "sợi dây" để kết nối sự đa dạng này.
Dù là tỷ phú, nhưng Modi có một cuộc sống bình dị ở ngôi nhà làm bằng gỗ, xung quanh là bãi cỏ rộng tại vùng ngoại ô Kolkata. Ở đây, ông tự trồng hầu hết các loại trái cây và rau củ.
Với hơn 30 năm làm trong ngành bán lẻ, ông có quan điểm đặc biệt về sự giàu có và sự nghiệp. Modi chia sẻ: "Kiếm được nhiều tiền mà không có thời gian là vô nghĩa."
Sau khi cha qua đời, ông nhận thấy mình không cần đến công ty thường xuyên để điều phối mọi hoạt động. Ông dành ¼ thời gian để để làm việc và quản lý tài sản, bao gồm các hoạt động từ thiện và chăm sóc sức khỏe, các mối quan hệ, cũng như tiếp tục học tập. Hàng ngày, Modi tập yoga, thiền và nghiên cứu chiến lược của các nhà bán lẻ như LVMH, Nike và Uniqlo. Mỗi tuần, Modi chỉ đến văn phòng 1 hoặc 2 lần, ông kiểm tra mọi dòng sản phẩm, giám sát hoạt động quảng cáo và mở rộng cửa hàng.
Nguồn: Forbes