Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, tình hình kinh tế, tài chính của nhiều doanh nghiệp trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, số còn lại thì lao đao, dần đi vào bế tắc.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong quý 1/2020, cả nước có hơn 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 4.100 doanh nghiệp phá sản.
Để tồn tại trong dịch, tiết kiệm chi phí là yếu tố quan trọng hàng đầu
Chia sẻ tại Hội thảo "Doanh nghiệp hậu Covid-19: Nền kinh tế liên minh tạo sức bật phát triển", lấy ví dụ câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp Sakos, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nói: "Mùa vừa rồi không có khách du lịch, trường đóng cửa nên bán balo, vali bán cũng không được. Do đó Công ty phải xem lại mô hình kinh doanh của mình".
Trước đây khi tình hình thuận lợi thì việc kiểm soát chi phí cũng có nhưng không phải trọng tâm. Chúng ta thường chỉ tập trung làm sao để tăng doanh số. Tuy nhiên Covid-19 thì lại không có doanh số bán hàng, phải quay lại việc kiểm soát chi phí để giảm thiệt hại Công ty. Sakos cũng đổi văn phòng từ trăm triệu sang mức thấp hơn, nhân sự cũng tiết giảm.
"Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất xấu đến các công ty tôi đầu tư. Đó cũng là lời cảnh tỉnh để bản thân tôi nhìn lại hoạt động của mình", vị này nhấn mạnh. Theo đó, hiện nay mỗi ngày trước khi bắt đầu công việc, người lãnh đạo phải tự đặt 3 câu hỏi: Thứ nhất, làm sao để tăng doanh thu. Thứ hai, làm sao để tiết giảm chi phí? Thứ ba, làm sao để tăng lợi thế cạnh tranh.
Giai đoạn vừa nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp có thể chưa tạo được lợi thế cạnh tranh thì ít nhất phải kiểm soát chi phí tốt. Chưa kể ngày mai thị trường có thể còn rất xấu nên việc kiểm soát chi phí là cần thiết. Tồn tại rồi, theo ông Quỳnh, thì cần quan tâm làm thế nào để phát triển, và điều này chỉ đạt được nhờ vào số hoá.
Đồng quan điểm, trong lần chia sẻ trước đó, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC Group cho hay trước hết phải lạc quan, vì ứng phó cũng cần độ trễ để hấp thụ. Theo ông Thành, làm kinh doanh thì phải kiểm soát được chi phí. Bởi, kiểm soát chi phí đồng nghĩa kiểm soát được thị trường, vì đó là lúc doanh nghiệp đang tăng năng lực cạnh tranh của chính mình. Thời buổi hiện nay, để kiểm soát tốt chi phí chúng ta phải đầu tư công nghệ, hiện đại hóa mọi hoạt động, đây gọi là số hoá.
Hội thảo "Doanh nghiệp hậu Covid-19: Nền kinh tế liên minh tạo sức bật phát triển".
Liên minh sẽ tạo sức bật lớn sau đại dịch
Tuy nhiên, để tất cả cùng phát triển và tạo được lợi thế cạnh tranh, việc liên minh là điều tất yếu. Khái niệm "kinh tế liên minh" với sự bắt tay của các doanh nghiệp là chủ đề bàn luận quan trọng; và việc ứng dụng mô hình này kỳ vọng là giải pháp giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, lấy lại sự cân bằng hay tạo những bước phát triển "nhảy vọt".
Theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1: "Brands + Media + Tech + The coalition loyalty program = Consumer, được hiểu là liên kết quảng cáo, bán hàng và chăm sóc khách hàng chéo, chính là công thức cho sự cân bằng và phát triển của các doanh nghiệp khi liên minh".
Riêng về Yeah1, sau cú sốc liên quan đến YouTube năm qua, Công ty hiện đang khai thác khái niệm liên minh kinh tế nhằm tạo đà phát triển bền vững trong tương lai. Điển hình, Mega1 được xây dựng và phát triển bởi Tập đoàn Yeah1 và các đơn vị thành viên. Thông qua nền tảng này, các chương trình khuyến mãi lớn với giải thưởng lớn được truyền thông trực tiếp tới người tiêu dùng, người dùng cuối.
Bên cạnh đó tính năng tích lũy và đổi điểm chéo cũng là một ưu điểm được Mega1 áp dụng theo mô hình liên minh khá phổ biến và thành công trên thế giới. Đơn cử như Tpoint (Nhật Bản) đã có tới hơn 68 triệu thành viên, liên kết được hơn 900.000 cửa hàng trên toàn nước Nhật với tổng doanh số tiêu dùng qua hệ thống trên 63 tỷ USD/1 năm. Hiện, Mega1 đã có hơn 50 triệu lượt tiếp cận, gần 1 triệu lượt tải ứng dụng và 809.732 lượt truy cập sau 1 tháng ra mắt.
Yeah1 cũng đang liên kết với các tổ chức có cộng đồng lớn để nhanh chóng tập hợp lực lượng tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp, nhằm kết nối cộng đồng, giúp người sử dụng ứng dụng có thể mua sắm các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt với giá ưu đãi cùng cơ hội trúng thưởng thông qua các chương trình rút thăm may mắn trên ứng dụng.
"Lần đầu tiên, thói quen mua sắm của người tiêu dùng có thể giúp họ có cơ hội trúng hàng triệu giải thưởng. Với các đối tác, Mega1 kỳ vọng sẽ có đóng góp quan trọng vào doanh thu nghìn tỷ, góp phần tạo thêm công văn việc làm mới cho người lao động, theo đó là sự hồi phục và tăng trưởng chung cho nền kinh tế", ông Tống nói.