Trong chương trình "YBA Share số 2: Chuyện chưa bao giờ kể" vào tháng 11/2019, ông Lý Quí Trung tiết lộ: "Ban đầu tôi định cộng tác với một trường đại học nhưng dự định không thành cuối cùng quyết định gia nhập tập đoàn nội thất AKA với vai trò CEO trong một hai năm. Thời gian gần hai năm trôi qua quá nhanh và tôi nghĩ mình đã hoàn thành công việc và đã đến lúc bước qua một giai đoạn mới tiếp theo. Kế hoạch tiếp theo của tôi là quay lại Úc sống và làm việc gần hơn với gia đình nhỏ của mình, điều này làm tôi thấy rất vui.
Và tôi nghĩ mình không còn hấp dẫn với công việc điều hành chi tiết mà phù hợp hơn với công việc tư vấn chiến lược. Tôi cũng có thể nhận lời mời của một vài công ty cần một góc nhìn có nhiều trải nghiệm liên quan từ một thành viên độc lập trong Hội đồng Quản trị hay Hội đồng cố vấn".
Và để bắt đầu khởi nghiệp ở vai trò mới lần nữa, trong khoảng thời gian gần đây, ông Lý Quí Trung thường xuyên quay những clip chia sẻ về những kiến thức – kinh nghiệm trong kinh doanh F&B cùng nhượng quyền, rồi chia sẻ lên Youtube. Trong tất cả, thú vị nhất là 2 clip mà ông nói về mảng nhượng quyền tại Việt Nam mà chúng tôi sẽ trích đăng dưới đây.
"Nhiều chuỗi nhượng quyền thương mại lớn đã vào Việt Nam, tuy nhiên hầu hết họ không nhượng quyền nhỏ lẻ mà thường những người chủ nhượng quyền độc quyền - master franchise tự mở là chủ yếu, chứ không giúp người khác mở hoặc quản trị như đa số ở quốc gia khác. Còn ở trong nước, chuỗi hoặc thương hiệu ‘cây nhà lá vườn’ nhượng quyền cũng rất khó và chưa phổ biến.
Khó khăn lớn nhất, theo tôi là Việt Nam chúng ta thiếu tầng lớp người mua nhượng quyền, hoặc nói nôm na là không có lý tưởng mua nhượng quyền. Ở các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Úc, Mỹ… họ có tầng lớp người lý tưởng cho việc mua nhượng quyền nhỏ lẻ: những người có tiền đầu tư, có kiến thức về quản trị kinh doanh và thứ ba khó nhất – cống hiến toàn thời gian cho cửa hàng mà mình nhượng quyền.
Ví dụ: McDonald’s yêu cầu những người nhượng quyền phải đi học các khóa đào tạo ở trường McDonald’s trong 1 đến 2 năm, sau đó mới được phép điều hành cửa hàng nhượng quyền của McDonald’s. Những thương hiệu khác có thể không khắc khe như McDonald’s, nhưng tệ lắm thì người mua nhượng quyền nhỏ lẻ cũng phải học vài khóa đào tạo ngắn hạn. Điểm chung nữa, tất cả các thương hiệu điều yêu cầu các người mua thương hiệu nhượng quyền nhỏ lẻ phải bỏ ra toàn thời gian cho cửa hàng.
Những năm làm nhượng quyền với Phở 24 đã cho ông Lý Quý Trung nhiều kinh nghiệm quý giá.
Khi một thương hiệu nước ngoài muốn nhân rộng ra TP. HCM hay Nha Trang, họ không thiếu tiền mà thiếu cặp mắt trông chừng, quản trị của người chủ. Thế nên, các đối tác nhượng quyền – franchisee sẽ vừa là người chủ vừa là người quản lý cửa hàng cho thương hiệu – nửa này nửa kia. Những người hoàn hảo cho vai trò này sẽ là những người muốn kinh doanh nhưng sợ tự làm quá rủi ro, họ sẽ thực tập chuyện kinh doanh trong khi làm đối tác, sau thời gian tích luỹ đủ kinh nghiệm, họ sẽ không nhượng quyền nữa mà tự ra mở riêng. Tại Việt Nam kiểu người này gần như không có hoặc rất ít.
Việt Nam có những người có kiến thức – thời gian – kinh nghiệm, ví dụ những người quản lý ở các tập đoàn lớn, khá nhiều; song hầu hết họ không đủ tiền mở nhượng quyền. Còn những người có nhiều tiền, như doanh nhân buôn bán hoặc làm thương mại thành công, thì thường thích giữ công việc đó cũng như không sẵn sàng bỏ hết công việc để ‘cá cược’ – nhảy ra chỉ điều hành một tiệm nhượng quyền. Họ có tiền nên thường thuê người làm thay, điều này làm mất đi thế mạnh cốt lõi của một franchisee.
Khó khăn lớn thứ hai mà nhiều người ít để ý – ngân hàng Việt Nam chưa hỗ trợ tốt cho mảng nhượng quyền.
Ở các nước tiên tiến, khi mình mua nhượng quyền những thương hiệu lớn của thế giới, ngân hàng thườnghỗ trợ về vấn đề tài chính. Nguyên do là khi một người tự mở doanh nghiệp – thương hiệu sẽ khó thành công hơn nhượng quyền. Mở 1 tiệm thức ăn nhanh không có thương hiệu, khả năng thành công sẽ nhỏ hơn là nhượng quyền McDonald’s, Subway và KFC. Do tính rủi ro thấp, nên ngân hàng rất thích cộng tác với cá nhân mua nhượng quyền, thương hiệu hoặc với doanh nghiệp nhượng quyền độc quyền khu vực – đất nước.
Tại Việt Nam, điều đó chưa xảy ra, khiến mọi việc rất khó khăn cho cả người mua lẫn bán thương hiệu, làm giới hạn sự phát triển của kinh doanh nhượng quyền. Trong khi, khi mở nhà hàng – tiệm ăn – cà phê thì phải đủ tiền mặt đầu tư vài tỷ đồng vào tiệm, phải có tiền vận hành, vốn đầu tư lớn.
Khó khăn thứ 3 là do lĩnh vực này khá mới, nên kiến thức của người Việt về chuyện nhượng quyền khá hạn chế, nên rất khó tuyển dụng người mua nhỏ lẻ; bên cạnh đó, nhiều người Việt ít tôn trọng kỷ luật, mà mua franchise là phải tuân theo kỷ luật thương hiệu.
Ví dụ: tất cả các thương hiệu nhượng quyền lớn trên thế giới đều có những quy định khắt khe cụ thể về từng chi tiết nhỏ trong cửa hàng, như mở nhạc gì, máy lạnh để bao nhiêu đô, menu gồm nhưng món nào….hết sức chỉn chu. Còn người Việt Nam nói chung thường thích sáng tạo, đôi khi thành vô kỷ luật, rất khó để cho người bán franchise kiểm soát người mua nhượng quyền. Nhượng quyền là nghiêm cấm sự khác biệt giữa các tiệm, nếu không sẽ làm hư cả một hệ thống.
Vào Việt Nam đã được gần 7 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, McDonald's vẫn chưa quan tâm tới nhượng quyền cho các đối tác nhỏ lẻ.
Hoặc đôi khi vì muốn cắt giảm chi phí, mà các franchisee không chịu thay đồng phục – bảng hiệu dù chúng đã rất cũ, thậm chí là sợ hao điện nên tắt luôn máy lạnh, rồi xài quạt máy. Chính từng chi tiết nho nhỏ đó chuẩn chỉnh mới làm nên thành công của franchise. Tất cả những điều trên khiến nhiều người bán lưỡng lự và chùn bước khi muốn dùng cái mô hình kinh doanh nhượng quyền để bành trướng ra toàn Việt Nam.
Chưa hết, tại Việt Nam, các đối tác cũng có khuynh hướng thường chưa chắc báo cáo doanh thu đúng. Khi mua nhượng quyền, các đối tác nhượng quyền nhỏ lẻ thường đóng phí nhượng quyền khoảng 1%, 2% đến 3% hoặc như McDonald’s là 5% cho người bán vào mỗi tháng và thêm vài phần trăm chi phí marketing.
Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều đối tác nhượng quyền vì không muốn trả chi phí đầy đủ cho người bán, nên thường báo cáo doanh thu ít hơn để trả phí ít hơn. Trong khi, chúng lại là nguồn thu chính của người bán, nhiều trường hợp như thế xảy ra sẽ khiến nhiều người mất động lực để bán franchise.
Cuối cùng, cơ sở hạ tầng hay điều luật – hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dựa vào luật franchise ở Mỹ và các nước phương Tây, nên khi đưa vào Việt Nam còn một số điểm khập khiễng. Cơ sở pháp lý cho hợp đồng franchise hay cơ quan hỗ trợ - giám sát cho cả người bán và người mua cũng còn thiếu kinh nghiệm. Franchise chưa được coi trọng như mũi nhọn kinh doanh trong nền kinh tế.
Từ khoảng 5 năm về trước, Việt Nam không hề có các công ty tư vấn về vấn đề franchise, như hồi tôi nhượng quyền Phở 24; nhưng bây giờ chúng ta đã có, mặc dù chưa nhiều. Người chủ thường không mạnh kiến thức về franchise mà phải thông qua các công ty tư vấn. Các công ty tư vấn sẽ giúp người chủ hoàn thiện set-up hệ thống để nhượng quyền, hay bắt đầu tiêu chuẩn hoá hoạt động – những điều khoản/đặc điểm mô hình kinh doanh của mình.
Đây cũng là khó khăn, nhưng không lớn, hiện tại Việt Nam đã có dù không tốt bằng nước ngoài.
Tóm lại, do đặc điểm văn hóa – cơ sở hạ tầng và dịch vụ tư vấn chưa đầy đủ lắm, nên các thương hiệu quốc tế khi vào Việt Nam, lưỡng lự hoặc chưa thấy hứng thú với việc nhượng quyền. Thương hiệu Việt Nam cũng vậy, ngoài hạng chế về kiến thức, nhiều người chủ cảm thấy gặp nhiều khó khăn khi triển khai mô hình kinh doanh này.
Cho nên, kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam phải linh động và sáng tạo, không nên đem cách thức nhượng quyền thế giới áp đặt cứng nhắc vào Việt Nam, nó sẽ hỏng ngay. Như McDoanald’s vào Việt Nam phải bán thêm cơm chứ ko phải chỉ có bán mỗi hamburger. Một mô hình kinh doanh nhượng quyền vào Việt phải xào nấu lại 1 chút để phù hợp với thị trường bản địa.