Chia sẻ với PV, bà Liên cho biết, việc "canh" để đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo vào nửa đêm đúng như "thập diện mai phục".
"Ngay sau khi có thông tin Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại với lượng 400.000 tấn trong tháng tư, từ tối ngày 10/4, doanh nghiệp của tôi cử hẳn một đội ngũ canh trên cổng đăng ký mở tờ khai hải quan, click chuột liên tục. May mắn là sau đó chúng tôi đã đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu 1.300 tấn gạo, tương đương 52 container. Còn nhiều doanh nghiệp khác không biết, hoặc ngủ quên coi như mất cơ hội vì Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai online vào lúc nửa đêm chủ nhật 12/4 từ 0h đến 3h sáng là đóng cổng vì đã khai xong số lượng 400.000 tấn" - bà Liên cho biết.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể "canh" để đăng ký tờ khai hải quan online lúc nửa đêm. Ảnh: I.T
Cũng theo bà Liên, việc doanh nghiệp của bà đăng ký được là do may mắn, hên xui chứ không hề có thông tin nào trước đó. "Thậm chí, khi có văn bản đề xuất của Bộ Công Thương, chúng tôi có hỏi thông tin về mở tờ khai hải quan, họ còn trả lời chắc phải thứ hai (13/4) mới có. Nếu chúng tôi không kiên trì chắc cũng đã mất cơ hội" - bà Liên nói thêm.
Được biết, 1.300 tấn gạo của Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An đã nằm tại cảng từ ngày 24/3, ngay sau khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo.
Bà Liên cho biết, những doanh nghiệp khai trước 0h ngày 24/3 thì xuất khẩu bình thường, sau đó cổng đăng ký tờ khai hải quan đóng lại, đến khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 thì lại mở nhưng là vào lúc nửa đêm.
"Chúng tôi còn may mắn, canh mòn mỏi để đăng ký, cuối cùng cũng thành công, còn nhiều doanh nghiệp khác cũng canh để đăng ký nhưng không được" - bà Liên nói.
Cũng theo bà Liên, việc hạn chế xuất khẩu gạo với lượng 400.000 tấn có thể khiến vụ hè thu tới của nông dân gặp nhiều khó khăn.
"Hiện nay, lượng gạo thơm, gạo nếp đang còn tồn kho rất nhiều, trong khi nhu cầu thế giới đang tăng cao, nếu không cho xuất khẩu sẽ mất cơ hội" - bà Liên khẳng định.
Bà Liên cho rằng, việc hạn chế xuất khẩu gạo cần làm rõ đối với từng loại gạo. Riêng với gạo tẻ thường (IR50404) đang thiếu cho dự trữ quốc gia thì chưa cho xuất khẩu, nhưng gạo thơm, gạo nếp còn dồi dào, trong khi giá đang cao thì nên đẩy mạnh để mang lại lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp.
"Năm ngoái, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 32% là giống IR50404 nhưng giá lúa cả năm chỉ 4.200 - 4.500 đồng/kg, trong khi các loại gạo khác giá từ 5.500 - 7.000 đồng/kg nên năm nay bà con chuyển sang trồng gạo thơm, nếp nhiều. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản nói rõ, chỉ nên cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, còn vẫn cho xuất gạo thơm, nếp, Bộ Công Thương cũng cần có phương án rõ ràng để doanh nghiệp, nông dân không bị thiệt hại" - bà Liên kiến nghị.