Theo thông tin của đại diện Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) B2C tăng trưởng đến 30% trong năm 2018 (tương ứng hơn 8 tỷ USD), gấp đôi tốc độ tăng trưởng của năm 2015.
Ước tính, doanh thu bán lẻ TMĐT đến năm 2020 sẽ cán mốc 10 tỷ USD, Việt Nam sẽ là một trong các thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á.
Bà Grace Hee - Giám đốc quản lý kênh phân phối tại Việt Nam của Tập đoàn Alibaba, cho rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm thương mại và sản xuất của thế giới. Năm 2019 là năm mà Alibaba bày tỏ sự quan tâm lớn đến thị trường Việt Nam.
Trên nền tảng của Alibaba, 10 ngành hàng có sức mua nhiều nhất như thực phẩm, đồ uống, nông sản, mỹ phẩm,... rất tương thích với năng lực từ phía Việt Nam.
"Ông lớn" này khẳng định sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp muốn trở thành thành viên của hệ sinh thái Alibaba thông qua tài khoản Gold Supplier, doanh nghiệp trả phí thành viên và được hỗ trợ thiết kế web, đăng tải sản phẩm không giới hạn.
Hiện tại, theo thống kê của đại diện Bộ Công thương, số người sử dụng internet ở Việt Nam là khoảng 64 triệu người (chiếm 66%). Số người mua sắm trực tuyến giai đoạn 2015-2018 tăng đều.
Mặc dù số người mua năm 2015 là 30,3 triệu và số người mua năm 2016 là 21,7 triệu (suy giảm khoảng 8,6 triệu) nhưng giá trị mua sắm trực tuyến tính bằng USD của một người Việt Nam vẫn tăng thêm 10 triệu USD trong năm 2016.
Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp sở hữu trang TMĐT là khoảng 44% (số liệu năm 2018). Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2018 đạt khoảng 4,2%.
Hiện nay, có trên 32% doanh nghiệp SME đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến, trong đó, TMĐT B2C giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng và thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, một thách thức đối với thị trường TMĐT Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn lực và tài chính, năng lực TMĐT xuyên biên giới còn thấp. Điều này đòi hỏi sự hợp tác hỗ trợ của các tập đoàn TMĐT lớn trên thế giới.