Theo số liệu từ Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, tổng doanh thu của thị trường phim Việt năm 2017 khoảng 3.220 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% so với năm 2016.
Trong đó, ông lớn CGV tiếp tục củng cố sức mạnh tuyệt đối khi nắm tới hơn 45% thị phần chiếu phim, cao hơn cả 4 tên tuổi đứng sau cộng lại, gồm Lotte, Galaxy, BHD và Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Ngoài ra, thị phần phát hành phim của CGV lên tới hơn 60%.
Trong năm qua, CGV đã mở thêm 15 cụm rạp và nâng tổng số phòng chiếu từ 247 lên 324, mức tăng 30%. Nhờ đó, doanh thu chiếu phim của CGV tăng trưởng hơn 20%, cao hơn so với mức tăng của ngành, lên 1.460 tỷ đồng.
Sự "bành trướng" của CGV tiếp tục khiến các doanh nghiệp trong ngành lo ngại. Mới đây, Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương. Hiệp hội này cho rằng, thị trường điện ảnh Việt Nam đang bị các công ty nước ngoài âm mưu thôn tính.
"Họ đang có chiến lược nhằm chiếm lĩnh thị trường và thôn tính nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Bằng các ưu thế về vốn, kinh nghiệm và với các thủ đoạn tinh vi, họ đã và đang thiết lập những điều kiện nhằm buộc các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam phải tuân theo với mục đích tiến tới chiếm lĩnh thị trường và nền điện ảnh Việt Nam sẽ phụ thuộc vào họ", văn bản của Hiệp hội nêu rõ.
Đặc biệt, Hiệp hội này còn phản ánh, trong thời gian gần đây, Tập đoàn CJ, thông qua nhiều hình thức khác nhau đã thực hiện hoạt động tập trung kinh tế với một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong ngành sản xuất phim, phát hành phim và rạp chiếu phim. Vì vậy, với việc sở hữu hơn 40% số rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim, Hiệp hội cho rằng CJ tập trung kinh tế với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh và thậm chí có thể vi phạm điều cấm của Luật cạnh tranh.
Hiệp hội đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh điều tra xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật cạnh tranh về tập trung kinh tế, nhằm ngăn chặn nguy cơ thị trường và nền điện ảnh Việt Nam bị nước ngoài lũng đoạn.
Đây không phải lần đầu tiên CGV và CJ gặp rắc rối trên thị trường phim Việt. Hồi giữa năm 2016, CGV từng bị 8 nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam tố cáo ăn chia phòng vé không sòng phẳng. Theo khiếu nại của 8 đơn vị, CGV đã áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình, khi phim do CGV phát hành hay phim do các đối tác khác phát hành thì CGV cũng hưởng 55%, trong khi các hãng nhận 45%.
Do số lượng rạp của CGV quá lớn (thời điểm đó chiếm 40% tổng số rạp phim trong cả nước) nên các doanh nghiệp điện ảnh trong nước không còn cách nào khác là phải chịu sự áp đặt của CGV. Nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim của họ sẽ không được chiếu trên 40% số rạp.
Đơn khiếu nại lúc bấy giờ khẳng định, đây là điều chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được lớn hơn nhà sản xuất và phát hành - những người bỏ chi phí lớn, không chỉ cho sản xuất phim, mà còn cho marketing và phát hành phim.
Sau khi bị khiếu nại, CGV cũng gặp nhiều rắc rối khi liên tiếp không được phân phối chiếu các phim bom tấn như "X-men: Apocalypse", "Independence Day: Resurgence" hay "Tấm Cám".