Ông lớn công nghệ Trung Quốc Huawei công bố doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng trong quý I năm nay, trong bối cảnh mảng di động bị ảnh hưởng nặng nề sau "lệnh cấm vận" của chính quyền Mỹ. Kết quả này phần nào cho thấy chiến lược thay đổi để "sống sốt" của Huawei đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó khăn với Huawei vẫn đang ở phía trước.
Doanh thu của Huawei trong quý I/2021 giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 152 tỷ nhân dân tệ (23,44 tỷ USD). Đây là lần giảm doanh thu quý thứ 2 liên tiếp của Huawei. Quý IV/2020, doanh thu của hãng cũng giảm 11% so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, theo tính toán của Global Times, lợi nhuận của hãng lại tăng 26,6%, lên 16,9 tỷ nhân dân tệ. Công ty cho biết, tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 11,1%, tăng 3,8 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Huawei cho biết có 2 yếu tố giúp họ gia tăng lợi nhuận trong khi doanh thu giảm. Thứ nhất, công ty này đã tối ưu hoá hoạt động, điều chỉnh danh mục sản phẩm, cải thiện khả năng phân phối để tiết kiệm chi phí. Thứ 2, hãng vừa nhận một khoản 650 triệu USD tiền bản quyền sáng chế một lần cho công nghệ 5G của mình. Trước đó, Huawei từng hé lộ việc sẽ thu tiền bản quyền trên các mẫu điện thoại 5G bán ra thị trường.
Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của Huawei trong quý I/2021 lại tăng.
Huawei không công bố doanh thu cụ thể của từng mảng kinh doanh.
"2021 sẽ là năm khó khăn nữa với chúng tôi, nhưng cũng là năm các chiến lược phát triển trong tương lai bắt đầu định hình", Eric Xu Zhijun – Chủ tịch luân phiên của Huawei nói trong thông báo báo chí gửi hôm 28/4.
Trong bối cảnh chính quyền ông Biden không có dấu hiệu nới lỏng lệnh cấm, Huawei cần giải quyết vấn đề tắc nghẽn nguồn cung chip trong năm nay. Các nhà phân tích vẫn chưa nắm rõ các mảng kinh doanh mới của họ sẽ làm cách nào để bù đắp cho sự sụt giảm trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng. Họ dự đoán doanh thu của mảng này tiếp tục giảm 20% trong năm 2021.
Ma Jihua – nhà phân tích trong lĩnh vực công nghệ cao cho biết sự sụt giảm doanh thu của Huawei nằm trong dự đoán, phần lớn do hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh trượt dốc. Theo báo cáo của Strategy Analytics, Huawei đã trượt khỏi top 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong quý I. Năm ngoái, họ đứng vị trí thứ 3.
Tháng 11 năm ngoái, Huawei bán thương hiệu smartphone Honor để cứu thương hiệu này khỏi lệnh cấm từ Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến doanh thu sụt giảm ở mảng thiết bị tiêu dùng. "Huawei đã chi rất nhiều để tích trữ chip và linh kiện cần thiết vào năm ngoái. Loại chi tiêu này đã giảm trong quý đầu tiên. Đó cũng là một phần lý do tại sao lợi nhuận tăng", Ma giải thích. Lợi nhuận tăng vọt cũng chỉ ra các mảng kinh doanh khác – chẳng hạn mảng cung cấp dịch vụ viễn thông của Huawei duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Các nhà phân tích cho biết, chiến lược điều chỉnh từ nhà cung cấp phần cứng sang cung cấp phần mềm của Huawei đã bước đầu thành công. Các hoạt động kinh doanh của công ty hầu như hoạt động bình thường, bất chấp lệnh cấm từ Mỹ.
Jiang Junmu – nhà phân tích ngành và là người theo sát Huawei, cho biết kho dự trữ chất bán dẫn của Huawei đủ cung cấp cho mọi bộ phận kinh doanh của họ trong năm nay nhưng kho dự trữ chip cho điện thoại thông minh sẽ giảm, ảnh hưởng đến mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng.
Đầu tháng 4, Chủ tịch luân phiên Eric Xu cho biết Huawei không ảo tưởng về việc chính quyền Biden sẽ đưa họ ra khỏi danh sách cấm vận. Ông Xu khẳng định Huawei vẫn cam kết đầu tư mạnh mẽ vào R&D, tập trung vào một số mảng kinh doanh nhất định như 5G và phần mềm.
Giữa tháng 4, Huawei bắt đầu bán một mẫu ô tô điện thông minh tại các cửa hàng trên toàn Trung Quốc như một phần trong nỗ lực tạo ra doanh thu mới. Họ cũng tìm cách mở rộng quy mô đầu tư vào các ngành khác như dịch vụ đám mây, cung cấp công nghệ cho các hầm mỏ, cảng và ngành quang điện.
Trong năm 2020, Huawei đạt doanh thu 891,4 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lợi nhuận ròng đạt 64,6 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,2%.
Tham khảo nguồn: Global Times