Chia sẻ tại hội nghị Tổng kết về công tác thuế sáng nay (10/1), bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết bên cạnh vấn đề nóng là thất thoát thuế từ Facebook còn phải tăng cường quản lý thuế các hộ cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
"Trong thương mại điện tử thì Facebook chỉ là một phần, còn lại là qua các nền tảng như Agoda, Booking.com...", bà Cúc nói và cho biết cần có những biện pháp để kiểm soát những người kinh doanh trên Internet.
Để kiểm soát được, vị chuyên gia này cho rằng trước tiên phải nắm bắt được số lượng tổ chức, cá nhân kinh doanh online trên toàn quốc. Hình thức kinh doanh này không chỉ giới hạn qua các mạng xã hội mà còn trên cả sóng truyền hình. Cụ thể, bà Cúc cho biết những chương trình quảng cáo có đính kèm số điện thoại để gọi đến mua hàng, cũng cần tính đến.
Thứ hai là cần yêu cầu người kinh doanh đăng ký bắt buộc. Theo bà, cơ quan thuế nên rà soát lại thông tin để không bỏ sót các đối tượng cần nộp thuế. Đơn cử là trong năm 2018, sau quá trình kiểm tra, soát lại, Cục Thuế TP.HCM đã tìm được cá nhân nhận tiền tỷ từ Google, Facebook hay Youtube nhưng không nộp thuế. Người này tạm trú ở TP.HCM nhưng hộ khẩu ở Quảng Nam, do đó Cục thuế của hai tỉnh đã phối hợp để truy thu khoản tiền thuế mà cá nhân này đã lẩn tránh.
"Cần có cơ chế xử phạt nếu cá nhân không đăng ký với cơ quan thuế", bà nhấn mạnh.
Tiếp theo, bà Cúc đề cập đến việc cần có sự phối hợp giữa có quan thuế và hệ thống ngân hàng trong việc xác nhận doanh thu của cá nhân kinh doanh. Bởi các giao dịch tiền mặt thực tế sẽ không quá nhiều, trong khi đó, những khoản tiền lên đến trăm hay tỷ đồng được giao dịch qua ngân hàng, ví điện tử...
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng Cục thuế, tại một cuộc trao đổi gần đây lại cho rằng quá trình phối hợp với ngân hàng, cơ quan công an dù rằng có thể tìm được các tài khoản kinh doanh qua Facebook nhưng là cách làm thủ công, mất thời gian, và không giải quyết triệt để bài toán thu thuế của Facebok.
Vì thế, theo ông Phụng, cần yêu cầu Facebook đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam để giải quyết bài toán thuế của mạng xã hội này khi phát sinh hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Phía Tổng Cục thuế, trong năm 2019, để giải quyết những vấn đề nóng này cho biết sẽ hoàn thiện Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu Ngân sách Nhà nước báo cáo Chính phủ và triển khai thực hiện ngay trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tổng Cục cũng sẽ chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp để đôn đốc thu kịp thời những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, các ngành nghề phát sinh mới…; về cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.