Kể từ khủng hoảng tài chính 1 thập kỷ trước, các hãng hàng không tại Mỹ đã dần củng cố và thắt chặt hoạt động, tận dụng lợi thế thay đổi thói quen du lịch và tạo ra những đề nghị hấp dẫn mới cho các hành khách - một chiến thuật giúp tạo thêm lợi nhuận.
Hiện tại, dịch Covid-19 đang đe dọa xóa sạch hết những thành quả đó.
Tình huống tồi tệ nhất trong vòng 1 thập kỷ
Gần đây nhất là vào thứ 4 tuần trước, United Airlines đã trở thành hãng vận chuyển đầu tiên của Mỹ tuyên bố sẽ mở rộng việc giảm các dịch vụ nội địa, tín hiệu cho thấy rằng nỗi lo sợ virus đã ảnh hưởng tới doanh số bán vé cả ở những khu vực bên ngoài tâm dịch.
Trong bức thư gửi tới nhân viên, 2 lãnh đạo cấp cao của hãng hàng không này tuyên bố kế hoạch giảm các dịch vụ quốc tế trong tháng 4 khoảng 20% và dịch vụ nội địa là 10%. Nhiều khả năng trong tháng 5 cũng sẽ như vậy. Hãng cũng tuyên bố tạm ngừng việc tuyển mới cho đến tháng 6 và nói rằng các nhân viên tại Mỹ có thể tình nguyện đăng ký nghỉ không lương.
"Chúng tôi thật sự hy vọng rằng những biện pháp mới nhất là đủ rồi nhưng tính chất nguy hiểm của dịch bệnh khiến chúng tôi luôn phải nhanh nhẹn và linh hoạt tiến về phía trước", Oscar Munoz – CEO United nói.
Những chuyến bay xuyên Thái Bình Dương chứng kiến nhu cầu giảm cực mạnh cũng sẽ bị cắt giảm một nửa trong tháng 4 trong khi đó các dịch vụ xuyên Đại Tây Dương sẽ bị cắt giảm 10%. Dịch vụ ở châu Mỹ Latin sẽ giảm 5%.
Trong một thông báo phản hồi tuyên bố của United, Sara Nelson – chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không Mỹ đánh giá rằng hãng hàng không này đang tiến hành cách tiếp cận "có trách nhiệm" để đối phó với dịch corona bùng phát.
Các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà chức trách thì đều đang tìm cách giảm bớt lo ngại về virus và sự ảnh hưởng của nó tới ngành công nghiệp.
Thomas J. Donohue – CEO của Ủy ban thương mại Mỹ nói rằng ngành công nghiệp hàng không không cần "gói cứu trợ tài chính" mặc dù ông nhấn mạnh rằng nếu các hãng hàng không cùng gặp khó khăn, "chúng tôi sẽ tìm ra cách tập hợp nguồn lực để giúp họ tiếp tục bay".
Sau đó, tại cuộc họp ở Nhà Trắng với các lãnh đạo ngành hàng không, Tổng thống Trump đã gạt ngay 1 câu hỏi của phóng viên về việc liệu chính phủ liên bang có cung cấp một gói hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không không? Ông Trump cười nói: "Làm ơn đừng hỏi những câu kiểu vậy. Họ còn chưa hỏi tôi mà, đừng gợi ý cho họ".
Ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence cũng tham gia một cuộc họp nhằm tìm cách giảm nỗi lo sợ của công chúng vì dịch bệnh. "Hoạt động bay vẫn rất an toàn. Phần lớn thế giới vẫn rất an toàn để bay. Vì vậy chúng tôi không muốn nói bất kỳ điều gì khác cả".
Trong bối cảnh virus lan rộng, chính quyền cũng đã liên lạc với đại diện của ngành du lịch nhằm gỡ khó cho ngành này.
Sau khủng hoảng tài chính, ngành công nghiệp hàng không đang trải qua giai đoạn khó khăn khi họ phải tập trung vào việc tăng công suất và hiệu quả. Trong những năm gần đây, họ siết chặt lợi nhuận thông qua việc cung cấp những sản phẩm mới, chất lượng cao cho nhóm khách hàng trẻ.
Kết quả là, kết thúc năm 2019, ngành hàng không đã bắt đầu chứng kiến dấu hiệu tích cực nhưng các bài báo về dịch virus corona đã xuất hiện kể từ tháng 1/2020. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, nó đã lan ra đủ rộng để khiến 3 hãng hàng không tuyên bố kế hoạch tạm ngưng dịch vụ tới Trung Quốc – tâm điểm dịch do nhu cầu giảm mạnh.
Kể từ sau đó, cổ phiếu của United và American Airlines đã mất khoảng 1/3 giá trị. Delta cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm 18%.
Tuần trước, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm, United nói rằng phần thiệt hại do virus gây ra có thể được bù đắp một phần nhờ giá dầu giảm. Tuy nhiên, hãng vẫn sẽ rút lại những dự báo về tình hình tài chính của cả năm được đưa ra trước đó.
JetBlue cũng nói vào thứ 4 rằng họ sẽ giảm tạm thời dịch vụ xuống 5% và sẽ tiến hành nhiều bước để dự trữ tiền, gồm ngừng tuyển mới, đề nghị nhân viên tình nguyện nghỉ và giới hạn chi tiêu.
Kể từ tháng 1, các hãng hàng không đã giảm hoặc hủy dịch vụ tới Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và nhiều quốc gia khác khi nhu cầu đi nước ngoài giảm mạnh. Và có một thực tế là trong khi các hành trình quốc tế chỉ chiếm 1 phần nhỏ dịch vụ của các hãng hàng không lớn, nhưng chúng lại tạo ra lợi nhuận cao hơn đáng kể so với các chuyến bay nội địa.
"Nếu có thể lấp đầy cabin hạng nhất và hạng thương gia của các chuyên bay xuyên Thái Bình Dương hay Đại Tây Dương, một hãng hàng không có thể lấp đầy chi phí hoạt động của cả chuyến bay", theo John Grant – chuyên gia phân tích trong lĩnh vực hàng không. Để làm được điều tương tự như vậy với các chuyến bay nội địa, một hãng hàng không phải bán được hơn 80% ghế trên chuyến bay.
Cho tới thời điểm này, không chỉ các đường bay quốc tế, lo ngại ngày càng dâng cao trong bối cảnh virus lan rộng khiến ngay cả những đường bay nội địa của nhiều hãng hàng không cũng bắt đầu chứng kiến nhu cầu sụt giảm.
Tình hình tồi tệ như này sẽ kéo dài bao lâu?
Ngày thứ 3, Ford Motor đã yêu cầu gần 200.000 nhân viên của họ ngừng các chuyến công tác kể cả trong nước và nước ngoài và sử dụng videocall cho những cuộc họp quan trọng.
GM – đơn vị có khoảng 164.000 nhân viên cũng đã ngừng việc cho phép nhân viên đi công tác tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ý. Đối với các quốc gia khác chỉ được đi khi có nhu cầu cần thiết.
Những lệnh cấm như vậy sẽ kéo dài bao lâu? Hiện chưa ai rõ. Khảo sát các doanh nghiệp điển hỉnh, 31% nói rằng lệnh cấm như vậy sẽ kéo dài 3 tháng. Còn 54% nói rằng họ không biết bao giờ việc đi lại sẽ diễn ra bình thường.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều hãng hàng không đều nói rằng họ sẽ sẽ không thu phí đổi vé cho những chuyến bay đặt trong những tuần sắp tới.
Tuy nhiên, điều hành khách cần là sự đảm bảo an toàn khi bay. "Hiện tại, nỗi lo sợ trong công chúng còn tệ hơn cả virus", một chuyên gia nhận định.