Theo báo cáo tài chính quý 1/2018 của Parkson Retail Asia, công ty này đã bước sang quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ tại Việt Nam, cho dù đã lần lượt đóng cửa 4 trung tâm thương mại đình đám, là Parkson Keangnam tháng 1/2015, Parkson Paragon tháng 5/2016, Parkson Viet Tower tháng 12/2016 và mới đây là Parkson Flemington tháng 2/2018.
Với việc đóng cửa hàng loạt các trung tâm, doanh thu Parkson tiếp tục giảm sâu, xuống chỉ còn khoảng 111 tỷ đồng trong quý vừa qua và chịu lỗ khoảng 24 tỷ đồng. Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Như vậy, sau 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và chịu lỗ khoảng 50 tỷ đồng.
Theo Parkson, doanh số của cùng một cửa hàng trong kỳ vừa qua cũng giảm tới 9,8% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường xuất hiện thêm nhiều nhà bán lẻ nước ngoài với các chiến dịch quảng bá, chiết khấu rầm rộ khiến Parkson không thể cạnh tranh.
Parkson có lãi đột biến vào quý 2/2016, nhờ thủ thuật tài chính thoái vốn tại công ty con để không phải ghi nhận lỗ lũy kế từ vụ hủy hợp đồng thuê Keangnam Landmark 72 và được hoàn nhập lợi nhuận.
Các năm từ 2015 trở về trước, doanh thu Parkson đều trên 700 tỷ đồng nhưng từ khi đóng cửa liên tiếp các trung tâm thương mại, doanh thu Parkson đã giảm khoảng 1/3. Niên độ tài chính 2016-2017, doanh thu Parkson đạt khoảng 510 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Parkson không chỉ thua lỗ triền miên ở Việt Nam mà còn lỗ ở tất cả các thị trường khác. Tại thị trường lớn nhất của Parkson là Malaysia, tuy doanh thu ở đây cao gấp 12 lần so với Việt Nam nhưng cũng khiến Parkson chịu lỗ gấp hơn 3 lần. Với Indonesia, doanh thu nơi đây cao gấp gần 2 lần Việt Nam nhưng thua lỗ gấp 2,5 lần.
Còn tại Myanmar và các thị trường khác, Parkson cũng đều báo lỗ. Tổng cộng sau 9 tháng niên độ 2017-2018, Parkson đang lỗ hơn 22,5 triệu đô la Singapore, tương đương khoảng 385 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc Parkson luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến chuỗi này lép vế hơn rất nhiều khi mô hình Shopping Mall hay Shopping Center quy mô lớn, hay còn gọi là trung tâm mua sắm đáp ứng các nhu cầu, tiện ích cho khách hàng từ mua sắm với siêu thị tổng hợp cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim.
Đặc biệt, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.
Song, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ chi phí ngày càng lớn và miếng bánh thị trường buộc phải chia năm xẻ bảy cho nhiều đối thủ mới hơn và đáng gờm hơn khiến nhà bán lẻ này đuối sức trong nửa thập niên qua.