Theo số liệu vừa được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) công bố, sau nửa đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 118.252 tỷ đồng, tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.785 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1 % so với cùng kỳ 2021. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 84.467 tỷ đồng, tăng trưởng 15,6%.
BẢO HIỂM SỨC KHỎE VÀ BẢO HIỂM XE CƠ GIỚI CHIẾM GẦN 60% TỶ TRỌNG THỊ TRƯỜNG PHI NHÂN THỌ
Ở thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, xét theo nghiệp vụ, Bảo hiểm sức khỏe là loại hình chiếm tỷ trọng lớn nhất (31,1%), tăng trưởng 21,6% so với cùng kỳ; Bảo hiểm xe cơ giới xếp ở vị trí thứ 2 với tỷ trọng 27,7%, tăng trưởng 10%...
Cụ thể, theo thống kê của IAV, Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 9.367 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 10% so với cùng kỳ, bồi thường 3.732 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 39,8%.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đạt 2.356 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,0 %, tăng 11,8% so với cùng kỳ, bồi thường 346 tỷ, tỷ lệ bồi thường 14,7%.
Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 7.010 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,8%, bồi thường 3.386 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 48,3%.
Bảo hiểm sức khỏe có doanh thu đạt 10.506 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 31,1%, tăng 21,6% so với cùng kỳ, bồi thường 3.068 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường đạt 29,2%.
Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 4.314 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 12,8%, giảm 2,1%, bồi thường 976 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 22,6%.
Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 4.612 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 13,7%, tăng trưởng 24,3%, bồi thường 996 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,6%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 3.516 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,4%, tăng 26%, bồi thường 612 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,4%.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 1.096 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,2%, tăng 19,2% so với cùng kỳ, bồi thường 383 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 35%.
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 1.603 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,7%, tăng trưởng 16,9%, bồi thường 318 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,8%.
Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu có doanh thu đạt 1.435 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,2%, tăng trưởng 8,9%, bồi thường 441 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 30,7%.
Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 802 tỷ đồng tăng trưởng 14,7%; bảo hiểm hàng không 497 tỷ đồng, tăng 36%; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 433 tỷ đồng, tăng 2,7%; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 166 tỷ đồng, tăng 39,5%;
Trong khi đa phần các nghiệp bảo hiểm đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ thì có hai nghiệp vụ có sự suy giảm là bảo hiểm nông nghiệp đạt 29 tỷ đồng, giảm 14,8% và bảo hiểm bảo lãnh đạt 15 tỷ đồng, giảm 5,1 %.
Nguồn: Bộ Tài chính, IAV, BizLIVE tổng hợp
MANULIFE DẪN ĐẦU VỀ DOANH THU PHÍ BẢO HIỂM NHÂN THỌ KHAI THÁC MỚI
Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường nửa đầu năm ước đạt 25.111 tỷ đồng giảm 2,3 % so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 4.685 tỷ đồng, Prudential với 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.322 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 2.678 tỷ đồng và MB Ageas với 2.197 tỷ đồng.
Tới hết quý 2, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 84.467 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,5%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,6%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 20,4%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,0%.
Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,52%. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,6%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,48%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,006%.
Về tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường, tuy Bảo Việt Nhân thọ hiện vẫn dẫn đầu ở cả hai tiêu chí (16.222 tỷ đồng và 19,20%), song doanh nghiệp này đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ Manulife ở vị trí thứ 2 (15.345 tỷ đồng và 18,17%) và Prudential (13.999 tỷ đồng và 16,57%)...
Nguồn IAV, ĐV: Tỷ đồng |
Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,5%), nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đơn vị (20,4%).
Về số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.496.180 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 18% so với cùng kỳ 2021. Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.327.760 hợp đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 64,13%, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 40,6%, giảm 32,8%. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 23,5%, tăng 91,5%. Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 25,6%, giảm 28,6%. Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 1,1%, giảm 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 9,18%, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 0,0003%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,04%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 9,1%.
Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,5%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (25,3%).
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, trong giai đoạn các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả là 18.850 tỷ đồng, tăng 30,2% với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, tốc độ tăng trưởng thị trường trong năm nay sẽ tiếp tục chậm lại, sau khi quy mô thị trường đã tăng gấp đôi giai đoạn trước đó.
Đại diện của IAV cho rằng xu hướng giảm của thị trường đã xuất hiện từ hơn 2 năm trước, ở thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Việt Nam. Đây chính là yếu tố tác động tiêu cực nhất tới tăng trưởng phí mới của thị trường nhân thọ suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, mặc dù tăng trưởng của thị trường đang có xu hướng giảm nhưng so với các thị trường lân cận như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... (có mức tăng chỉ ở 3-5%) thì mức tăng trưởng trên 10% của Việt Nam vẫn là hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Trước đó, trong giai đoạn 2011-2019, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có được một giai đoạn luôn giữ đà tăng trưởng nhanh và ổn định, có những năm trên 30%. Sau đó đến năm 2019 thì tốc độ giảm lại còn khoảng 21-22%/năm cho tới nay.