Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách chỉ hơn 8.640 lượt hành khách lên tàu, đạt 24,8% kế hoạch, bằng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đại diện VNR, số khách ít ỏi trên có được nhờ trong những ngày đầu tháng 8, đường sắt duy trì chạy hàng ngày một đôi tàu khách Thống nhất trên tuyến Bắc - Nam. Tuy nhiên, sau đó, vào cuối tháng, đôi tàu duy nhất này cũng phải dừng do dịch COVID-19 tại nhiều địa phương phức tạp hơn.
Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục từ trước đến nay. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Với vận tải hàng hóa có khả quan hơn khi thực hiện 413.944 tấn xếp, đạt 101,6% kế hoạch, bằng 105,4% cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn.
Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ năm 2020 và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Lý giải nguyên nhân doanh thu sụt giảm, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, ngành đường sắt phải điều chỉnh kế hoạch, biểu đồ chạy tàu, cắt giảm nhiều mác tàu trên các tuyến. Tàu khách đã dừng toàn bộ các mác tàu, riêng tàu Thống nhất SE8 chạy hàng ngày dừng từ ngày 23/8, SE7 dừng từ ngày 25/8/2021.
Đối với vận tải hàng hóa, hiện vẫn duy trì chạy tàu hàng. Tuy nhiên, do tình hình dịch ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, bị đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ nên lượng tàu hàng từ ga Sóng Thần ra các tỉnh phía Bắc giảm mạnh. Tàu hàng nhanh chuyên tuyến hai chiều Sóng Thần - Giáp Bát giảm đến hơn 50%. Vì vậy, kéo theo doanh thu vận tải hàng hóa toàn ngành giảm theo 2-3%.
Để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đường sắt, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay, Tổng công ty đã có báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông bằng đường bộ đến các ga lập tàu và từ ga dỡ hàng đi tiêu thụ.
Tổng công ty cũng gửi công văn đến các tỉnh, thành, hiệp hội, nêu rõ ưu điểm an toàn của vận tải hàng hóa đường sắt trong điều kiện phòng chống dịch để các địa phương tạo thuận lợi hơn và chuyển sang vận chuyển bằng tàu khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, ông Đặng Sỹ Mạnh bày tỏ lo ngại, từ đầu năm đến nay ngành đường sắt cố gắng cầm cự, lấy vận tải hàng bù vận tải khách. Với tình hình nguồn hàng nguyên vật liệu đầu vào không có, thị trường tiêu thụ tiếp tục giảm mạnh, từ nay đến cuối năm vận tải hàng hóa đường sắt vẫn đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng.
"Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tìm giải pháp nâng cao năng lực vận tải đường sắt; tiếp tục chú trọng đẩy mạnh vận tải hàng hóa. Trong đó, khẩn trương xây dựng sàn giao dịch vận tải; tiếp tục duy trì các chân hàng truyền thống, khách hàng cũ, chú trọng tìm kiếm nguồn hàng, luồng hàng, đối tác mới để nâng cao sản lượng và tăng doanh thu vận tải hàng hóa, bù đắp một phần cho vận tải hành khách", Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ.
Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do dòng tiền thiếu trầm trọng, vì vậy VNR không thể tiếp tục chi trả lương cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty mẹ (Tổng công ty). Dó đó, phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động đối với cán bộ công nhân viên cơ quan tổng công ty, các chi nhánh ga, các chi nhánh đầu máy.
Theo đó, từ 1/9 đến 31/12/2021, khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn, kể cả cấp phó trưởng ban, phó giám đốc chi nhánh. Còn đối với lao động trực tiếp, tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp. Dự kiến, giai đoạn này sẽ tạm hoãn hợp đồng với hơn 1.600 lượt lao động.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang báo cáo cấp có thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.