Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết nhằm tạo sự tăng trưởng trong thời gian tới, FPT Retail đã nghiên cứu và chọn chuỗi dược phẩm Long Châu.
Theo bà Điệp, FPT Retail nhận thấy doanh thu bình quân theo tháng của một cửa hàng Long Châu vào khoảng 134.000 USD/tháng, cao hơn mức 32.000 USD/tháng của Phúc An Khang, 11.000 USD/tháng của Pharmacity hay 18.000 USD/tháng của Phano.
Trong đó, chuỗi Phúc An Khang đã được Thế Giới Di Động đầu tư dưới 40% vốn thay vì muốn sở hữu kiểm soát trên 51%. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết đã thay đổi kế hoạch đầu tư ngành dược.
>>>Chủ tịch MWG: Chỉ đầu tư dưới 40% công ty dược phẩm sau đánh giá lại rủi ro
Số liệu này được FPT Retail tổng hợp trong quá trình làm việc với các chuỗi để tìm hiểu cơ hội đầu tư, dựa qua các kênh của trình dược viên và nhà cung cấp.
Bà Điệp cho biết điểm khác biệt giữa doanh thu của Long Châu với các nhà thuốc khác là đến từ thuốc kê toa. Lượng thuốc mà Long Châu có cao hơn gấp 6 - 7 lần các nhà thuốc bình thường và giá của Long Châu rẻ, trung bình rẻ hơn khoảng 20%. Trong đó, 60% doanh thu của Long Châu đến từ tân dược, còn lại từ mỹ phẩm, trang thiết bị y tế hoặc đến từ thực phẩm chức năng. Các nhóm hàng này mang lại lợi nhuận cao hơn thuốc.
Thời điểm FPT Retail mua, chuỗi Long Châu có 5 cửa hàng. Khi tiếp quản, FPT đã xây dựng phần mềm, quản trị chuỗi nhà thuốc, tiếp quản nguồn nhà cung cấp... Hiện tại Long Châu có 10 nhà thuốc tại TP HCM. Sau 4 năm tiếp theo, FRT Retail dự kiến mở tới 400 cửa hàng thuốc.
Bà Điệp cũng khẳng định, thị trường dược có thể chia làm 3 nhánh: kênh nhà thuốc, kênh phòng mạch và kênh bệnh viện. FPT Retail có kế hoạch tiếp cận kênh bệnh viện và phòng mạch, tuy nhiên nhìn kênh nhà thuốc vẫn còn dư địa phát triển lớn. Kênh nhà thuốc là thị trường 1,3 tỷ USD/năm, FPT retail kỳ vọng chiếm 30% thị phần thì doanh thu cũng không hề thua kém mảng điện thoại. Trong 3 - 4 năm tới, mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu của FPT Retail.
Bà Điệp nói thị trường điện thoại có sự bão hòa nhất định. GfK dự báo các năm tới, tăng trưởng điện thoại vẫn đang ở mức 12%, tức hai con số. Quy mô thị trường vẫn sẽ tăng trưởng. Nhưng thị trường sẽ bão hòa về độ phủ khi đã có quá nhiều cửa hàng được mở ra, việc mở thêm cửa hàng mới sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, FPT Retail chọn ngành dược và nhà thuốc Long Châu để đầu tư cho tương lai. Theo số liệu nghiên cứu từ FPT Retail, quy mô ngành dược khoảng 5 tỷ USD/năm, tương đương ngành điện thoại (5,8 tỷ USD) và cao hơn điện máy (3,7 tỷ USD). Trong khi đó, chi phí chi cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp nhưng ở Thái Lan đã lên 46 USD/năm, Singapore 142 USD/năm, Malaysia 66 USD/năm. Đặc biệt, tăng trưởng ngành 13%/năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế.
Ngoài dược phẩm, FPT Retail còn vạch ra chiến lược phát triển chuỗi Apple Store. Bà Điệp nói 60% thị phần iPhone đến từ công ty chính hãng, còn lại 40% tương đương 450 triệu USD là hàng xách tay. Đây là dư địa tiềm năng cho các công ty chính hãng thuyết phục khách hàng. Đồng thời, ở các nước trên thế giới hoặc Đông Nam Á, số cửa hàng của Apple đều khá lớn, từ 300 - 500 cửa hàng còn ở Việt Nam chỉ có 12.
Theo kế hoạch, FPT Retail sẽ tăng từ 12 lên 32 cửa hàng trong năm 2018. Trong vòng 3 năm tới, FRT dự kiến mở thêm để đạt 100 cửa hàng Apple Store.