Chiều 21-3, trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khẳng định doanh nghiệp (DN) Việt Nam không bán phá giá cá tra vào Mỹ và sẽ nộp đơn khiếu kiện quyết định áp thuế vô lý của DOC lên CIT.
Từng thắng kiện
Ông Hòe cho rằng: "Theo quy định, DN Việt Nam có 30 ngày để khiếu kiện sau khi DOC công bố quyết định và chúng tôi sẽ nộp đơn trong thời gian sớm nhất. VASEP tin tưởng CIT sẽ có phán quyết công bằng và khách quan cho cá tra Việt Nam. Các DN Việt Nam đã từng tham gia vụ kiện tương tự với lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm của Mỹ với phán quyết cuối cùng theo hướng có lợi cho DN Việt Nam".
Theo ông Hòe, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp cá nheo nước này mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam tại đây. Người tiêu dùng Mỹ có nguồn cung thịt trắng ổn định với chất lượng tốt và giá cả phù hợp. Ở lần xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), Công ty Godaco là DN duy nhất được chọn để xem xét hồ sơ và DOC đã yêu cầu DN thực hiện việc thay đổi cách kê khai hồ sơ có nhiều khác biệt so với các kỳ trước. Công ty đã nộp hồ sơ đúng hạn nhưng DOC lại không xem xét một cách đầy đủ dẫn đến việc áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn khiến cho mức thuế tính cho DN tăng cao một cách vô lý là 3,87 USD/kg.
Mức thuế này cũng được áp cho các DN còn lại và tăng 5,61 lần so POR12 (0,69 USD/kg). Đây là việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.
"Quyết định áp đặt của DOC đi ngược lại tiến trình tự do thương mại, quyền lợi người tiêu dùng Mỹ, ảnh hưởng đến ngành cá tra, sinh kế của nông dân Việt Nam" - ông Hòe nhấn mạnh.
Theo ông Ông Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) - DN đủ điều kiện xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng 2 năm qua không xuất được lô nào do rào cản thuế - cho biết mức thuế suất DOC áp lần này gây thiệt hại kinh tế nhiều hơn người ngoài ngành nghĩ. "Đây là thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho các lô hàng từ ngày 1-8-2015 đến 31-7-2016. Ở giai đoạn này, các DN xuất khẩu tạm tính mức thuế là 0,69 USD/kg theo POR12, nghĩa là DN phải nộp thêm 3,18 USD/kg. Để xuất khẩu lô hàng mới, DN nhập khẩu phải ký quỹ 3,87 USD/kg, là một số tiền quá lớn, DN Mỹ sẽ không mua cá tra từ Việt Nam" - ông Văn dự báo.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản, đánh giá mức thuế DOC áp lần này mang tính "tiêu diệt đối thủ" chứ không phải chống bán phá giá. "Không hiểu DOC tính toán kiểu gì mà áp mức thuế từ 3,87 - 7,74 USD/kg, bằng và thậm chí có trường hợp là cao gấp đôi giá bán cá tra phi-lê (khoảng 4 USD/kg - PV). Việt Nam có quá nhiều lợi thế trong sản xuất cá thịt trắng là cá tra nên giá thành thấp, giá bán 4 USD/kg ngành cá tra Việt Nam có lợi nhuận. DN Việt Nam sẽ kiên trì theo đuổi vụ kiện, tôi được biết nhiều DN nước ngoài bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đã phải bỏ thị trường" - bà Minh phân tích.
"Đáp ứng các yêu cầu hồ sơ của DOC không hề đơn giản. Tôi biết có trường hợp DN cá tra tiếp đoàn DOC, nhân viên phải thức trắng cả tuần để trả lời chi tiết các câu hỏi DOC yêu cầu từ chiều tối hôm trước và phải trả lời ngay sáng hôm sau. Ở các nước, khi bị điều tra chống bán phá giá, các DN cùng ngành hàng luôn hỗ trợ DN bị đơn bắt buộc để giảm áp lực cho họ. Tôi nghĩ giai đoạn này các DN cá tra Việt cần chung sức để giữ thị trường Mỹ" - bà Minh gợi ý.
Nhờ cá tra Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ có nguồn cung thịt trắng ổn định với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Ảnh: NGỌC ÁNH
Có thể kiện tiếp ra WTO
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng các DN, hiệp hội đều có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền ban hành mức thuế vô lý với cá tra của Việt Nam. Nếu những khiếu nại đó không được giải quyết thì VASEP có thể kiến nghị với Chính phủ để có thể khởi kiện việc áp thuế không công bằng, không hợp lý theo các quy định trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). "Như vậy, cơ sở pháp lý nằm ngay trong những quy định khởi kiện của WTO. Chuyện này không xa lạ với DN Việt Nam, trước đây ta cũng đã làm một số vụ tương tự" - ông Huỳnh nêu ý kiến.
Cũng theo luật sư Huỳnh, mức thuế như Mỹ áp với Việt Nam mới đây là quá cao so với tình hình thực tế. "Quan điểm của VASEP hay các hiệp hội, DN khác là dựa trên thực tế sản xuất. Tức là, khi người ta đã có những phản ứng rõ ràng như vậy thì họ đã có cơ sở thực tế để khẳng định mức thuế là cao và có thể khởi kiện" - ông Huỳnh nhìn nhận.
Đại diện Bộ Công Thương cũng đánh giá ý định VASEP muốn kiện ra CIT là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với quy định từ phía Mỹ. Tuy nhiên, đây là việc giữa các DN chứ không phải của Chính phủ.
Thực tế, đã có nhiều DN tính đến việc này và trong quá khứ, phía Việt Nam cũng đã theo đuổi nhiều vụ kiện. "Chính phủ chỉ tham vấn, hỗ trợ các DN khởi kiện. Chính phủ cũng có thể yêu cầu áp dụng đúng các quy định của WTO trong quá trình khởi kiện để bảo vệ lợi ích cho DN trong nước. Tuy nhiên, Chính phủ hiện vẫn chưa tính đến bước này" - đại diện Bộ Công Thương cho biết.