Lượng cá "nhử" được vào ao chủ yếu là cá lóc, trê, cá tra, cá sặc...
Tận dụng diện tích ao khoảng 1.000m2 trước nhà, ông Võ Văn Chiến ngụ ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã dùng chà me và rau muống để num, nhử cá vào ở trong ao mùa lũ vừa rồi. Từ lúc cá vô ao đến nay, đã được khoảng hơn 5 tháng, hiện ông Chiến đã tiến hành thu hoạch.
Ông Chiến cho biết, năm 2019 vừa qua, nước lũ về trễ và rút nhanh nên lượng cá dụ được vào ao cũng không nhiều, chủ yếu vẫn là cá lóc, cá trê, cá tra và cá sặc, ước tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 150kg. Tuy nhiên, bù lại do là cá đồng nên thương lái thu mua với giá khá cao, khoảng 40.000 đồng/kg - 130.000 đồng/kg tùy từng loại cá, trừ đi các khoản chi phí, ông có thu nhập gần 20 triệu đồng.
Một số gia đình có ao lớn hơn thì thu được nhiều tiền hơn. Cách nuôi này không tốn tiền nhiều chi phí nên bà con rất phấn khởi.
Cá sau khi bắt từ dưới ao lên sẽ được rửa sạch và phân loại. Ảnh: Chúc Ly
Được biết, đây là mô hình nằm trong Dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng Tháp Mười.
Trước đó, với sự hỗ trợ thả nuôi hơn 22.000 ngàn con cá giống cá mè hoa, cá trôi, sau một thời gian thả nuôi và chăm sóc, ông Chiến tiến hành thu hoạch, ước tổng trọng lượng đạt khoảng 3 tấn, với giá bán 12.500 đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí ông cũng đã có lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Tôm, cá đồng thịt thơm ngon nên thường có giá cao hơn 2-3 lần so với nuôi công nghiệp. Do vậy mô hình dùng chà hay bè rau muống để nhử cá vào nuôi trong mùa lũ không chỉ giúp bà con có nguồn cá giống tự nhiên, đặc sản "ăn" theo nguồn nước, mà mô hình này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ở các vùng nước nổi ĐBSCL, nạn tận diện nguồn lợi thủy sản mỗi khi mùa lũ về đã làm cạn kiệt dần cá tôm.
Mùa thu hoạch cá đồng ở miền Tây được chia thành 2 giai đoạn: Trước và sau Tết. Cá đồng có hơn chục loại trong đó phổ biến các loại có giá trị cao như: cá lóc, trê, rô, bổi, thác lác, chạch,… Ảnh: Chúc Ly
Theo bà con, chất chà cá hay làm bè rau muống là một trong những cách đánh bắt cá phổ biến ở vùng sông nước Cửu Long - một loại hình đánh bắt truyền thống không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hàng năm, khi lũ thượng nguồn bắt đầu rút, bà con bắt đầu mé cây, gom nhánh chất chà, giữ chà và bỏ mồi để nhử cá.
Chất chà cá cũng là một nghệ thuật. Theo ông Trương Văn Hải, một lão ngư kỳ cựu ở Bình Thủy (TP.Cần Thơ) cho biết bí quyết của nghề chất chà là chọn nơi sông sâu, có dòng chảy thích hợp, nước không xoáy mạnh để dọn nền. Chất xong, bà con bắt đầu thả lục bình hoặc rau muống để tạo sự yên tĩnh. Nhiều chủ chà cho biết muốn cá về nhiều cần phải rải mồi nhử cá thường xuyên và giữ cho dòng nước không bị khuấy động. Tùy nơi, tùy mùa, người thì cho cá ăn bằng mồi cơm nguội, lúa, cám, người lại rải rau muống, mắm sống…