Ẩn mình giữa những cánh đồng ngô ở Kansas nước Mỹ, trong một khu vực mà địa hình tự nhiên chẳng có gì đáng chú ý là một cái gò xanh tươi có thể nhìn thấy từ một con đường bụi đất. Cái gò được bao quanh bởi một hàng rào thép quân sự, dưới bóng mát của một chiếc tuabin gió lớn. Ở cổng hàng rào, một nhân viên bảo vệ mặc đồ camo đi qua đi lại với khẩu súng trường trên tay.
Nếu chịu khó để ý kỹ một chút, bạn có thể thấy cái gò trông giống như một hộp đựng thuốc bằng bê tông đặt trên một đỉnh đồi nhỏ. Xung quanh quả đồi, không góc nào là không gắn camera. Những vòng tròn an ninh này bảo vệ cho một cái boong-ke, nhìn từ xa không quá phô trương nhưng lại gần mới thấy không dễ gì có thể tấn công được.
Đối với nhiều người, cái boong-ke này là một thứ không thể tin nổi.
Những gì nằm bên dưới cánh đồng ngô này chắc hẳn sẽ khiến bạn có cảm giác nó là một khu vực bí mật của chính phủ Mỹ - mà thực tế cũng đã từng là vậy. Nhưng đây không phải một cái boong-ke được xây dựng để che tai mắt người dân hay bảo vệ các chính trị gia, những người đã ra lệnh xây dựng nó.
Đó là một trong 72 silo – hay ụ ngầm chứa tên lửa Atlas F, loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được Mỹ chế tạo vào đầu thập niên 1960. Mỗi quả tên lửa này đều được trang bị bộ đầu đạn hạt nhân, và nó mạnh hơn gấp 100 lần so với quả bom nguyên tử từng được thả xuống Nagasaki.
Không phải công dân Mỹ nào cũng biết đến sự tồn tại của Atlas F, nhưng trong quá khứ, những tổ hợp tên lửa này đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chương trình nghị sự địa chính trị của Mỹ với thế giới, những chương trình từng được đẩy lên cấp độ có khả năng gây ra sự tuyệt chủng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, đến giữa thập niên 60, sau khi có những công nghệ tên lửa mới hiệu quả hơn ra đời, những tổ hợp tên lửa hạt nhân Atlas F nhanh chóng được giải thể và thay thế. Các boong-ke ở Kansas không còn thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ nữa. Năm 2008, họ đã bán một chiếc cho Larry Hall, một người từng là nhà thầu cho chính phủ.
Larry Hall giờ đã chuyển sang nghề bất động sản, và ông ấy mua chiếc silo này để chuẩn bị cho một kịch bản tận thế mà ông ấy nghĩ rằng nó sẽ đến.
Ý tưởng của Hall, ông muốn biến nó thành một tòa tháp 15 tầng đảo ngược, chui sâu xuống lòng đất – một cơ sở được đặt tên là Survival Condo. Nó được thiết kế cho một cộng đồng lên tới 75 người, có thể cùng nhau sống qua 5 năm trong một không gian hoàn toàn khép kín, tự túc.
Hall nghĩ rằng đó là khoảng thời gian đủ để mọi sự kiện tận thế lắng xuống, và những người bên trong có thể ra ngoài trong một thế giới hậu tận thế. Họ sẽ tản ra để xây dựng lại mọi thứ từ đống đổ nát mà bất kể thứ gì đó khủng khiếp đã để lại, từ một vụ nổ thiên thạch, bão Mặt Trời cho đến Chiến tranh thế giới thứ ba, và dĩ nhiên có cả kịch bản cho một đại dịch.
"Ý tưởng chủ đạo của tôi là chúng ta có thể xây lên một cấu trúc xanh dành cho ngày tận thế, ai đó có thể sử dụng nó như một ngôi nhà thứ hai, giống như những boong-ke chống lại bức xạ hạt nhân từng được xây dựng", Hall nói.
Ông coi Survival Condo là một thử nghiệm kiến trúc an toàn, khép kín và bền vững – giống với Sinh quyển 2 (Biosphere 2), dự án mà Đại học bang Arizona đã dày công tham vọng từ những năm đầu thập niên 1990.
Biosphere 2, còn được gọi dưới tên "Hầm nhà kính", là một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất trong lịch sử. Bốn người đàn ông và bốn người phụ nữ đã tình nguyện nhốt mình trong một hệ thống sinh quyển được xây dựng nhân tạo trên sa mạc trong vòng 2 năm.
Đúng như tên gọi của nó, họ phải ở trong một nhà kính khép kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không ai được phép đưa đồ tiếp tế vào bên trong sinh quyển, và cũng không ai có thể bỏ thứ gì đó ra bên ngoài, kể cả không khí.
Thảm thực vật trong sinh quyển sẽ làm hai nhiệm vụ, lọc không khí và cung cấp thực phẩm cho tám người tham gia. Cùng với một số lượng đồ dự trữ nhất định, họ được mong đợi sẽ duy trì được cuộc sống tự cung tự cấp trong vòng ít nhất 2 năm, mô phỏng khoảng thời gian đủ cho một chuyến bay tới Sao Hỏa.
Mặc dù Biosphere 2 đã kết thúc với những thất bại mà các nhà khoa học trong thế kỷ 20 không lường trước được (hệ thống sinh quyển đã sụp đổ khi không thể tái chế CO2 thành O2, các tình nguyện viên gian lận, đem đồ từ bên ngoài vào còn các nhà khoa học đứng sau dự án bất đồng chính kiến) Hall tự tin nói rằng ông ấy có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm của Biosphere 2 để xây dựng một cộng đồng Survival Condo tốt hơn.
“Đây là một hệ thống hoàn toàn khép kín. Người ta đã từng cố gắng xây dựng các hệ thống như thế này bên trên trang trại của họ, nhưng chúng không khép kín hoàn toàn và vẫn bị mưa gió, sâu bọ xâm nhập. Chúng tôi đã khắc phục được tất cả những yếu tố đó”, Hall nói.
Ông ấy đã mất 6 năm và 20 triệu USD để cải tạo chiếc silo Atlas F này thành một tòa chung cư đảo ngược, sâu 15 tầng với tổng diện tích mặt sàn lên tới hơn 5.000 mét vuông. Chính phủ Mỹ đã mất tới 15 triệu USD vào thập niên 1960 để trang bị cho silo này những bức tường bê tông dày tới 2,7 mét.
Cùng với 600 tấn cốt thép và những cách cửa chống nổ, một cấu trúc silo này có thể chịu đựng được cả những cuộc tấn công hạt nhân. Nó được mệnh danh là một trong những kiến trúc vững chãi nhất từng được con người xây dựng.
Vào năm 2008, để có thể xây dựng được một silo như thế này từ đầu, Hall ước tính rằng ông phải tốn ít nhất 60 triệu USD. Do đó, cái giá thanh lý mà chính phủ Mỹ đã bán cho ông vẫn biến nó thành một món hời. Trung bình, mỗi chiếc silo này được bán với giá từ 1,5-3 triệu USD, và tất cả đều đã được mua lại.
Theo Hall, Survival Condo hiện là mô hình thực tiễn tốt nhất cho các hệ thống khép kín, có thể mô phỏng một cuộc du hành liên hành tinh vào không gian. Nó không những được trang bị những công cụ để loại bỏ sự phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, mà còn có giữ lại được những tiện nghi chỉ xuất hiện trong giai đoạn muộn của chủ nghĩa tư bản (Bật mí rằng Survival Condo có cả quán bar, bể bơi, trường bắn, rạp chiếu phim với màn hình lớn chất lượng lên tới 4K...).
Tôi đi theo Hall vượt qua một trong những cánh cửa chống nổ nặng tới 7,2 tấn, những cách cửa có thể được khóa lại bất cứ lúc nào để bắt đầu một cuộc sống hậu tận thế. Sau đó, ông ấy dẫn tôi đến đơn nguyên chứa máy lọc không khí, một cỗ máy có thể loại bỏ mọi sự ô nhiễm từ trên mặt đất, bao gồm phóng xạ hạt nhân, tác nhân hóa học và cả sinh học.
Hall cho biết ông đã trang bị cho Survival Condo 3 bộ lọc quân sự, mỗi bộ lọc có thể cung cấp hơn 180 mét khối khí mỗi phút, và chúng có giá 30.000 USD. “Tôi đã mạnh tay đầu tư tới 20 triệu USD cho nơi này. Nhưng khi bắt đầu mua các thiết bị quân sự từ chính phủ, bạn sẽ thấy tiền vơi đi nhanh đến chứng nào", ông nói.
Đội ngũ của Hall đã khoan sâu xuống lòng đất 91 mét để lắp đặt một hệ thống lọc nước sử dụng công nghệ khử trùng UV và giấy lọc carbon. Hệ thống này có thể lọc 45.400 lít nước mỗi ngày, được bơm trữ vào 3 bể chứa 113.500 lít được giám sát tự động.
Nguồn điện cung cấp cho Survival Condo được lấy từ 5 hệ thống dự phòng khác nhau, bởi vậy, khi một hệ thống bị hỏng, vẫn còn 4 hệ thống còn lại duy trì sự sống cho nó. Điện là tối quan trọng, bởi mất điện có nghĩa là tất cả thiết bị lọc khí và nước đầu ngừng hoạt động, mọi người sống dưới đó đều sẽ chết.
“Chúng tôi đã có một ngân hàng gồm 386 quả pin tàu ngầm với tuổi thọ khoảng 15 hoặc 16 năm. Hiện tại chúng tôi đang vận hành Survival Condo ở mức tiêu thụ 50-60kW, 16-18kW điện này đến từ các tuabin gió”, Hall nói.
“Mặc dù vậy, chúng tôi không thể xây một hệ thống năng lượng mặt trời ở đây ... bởi vì các tấm pin rất dễ vỡ và khu vực này còn nằm trong Hẻm Lốc Xoáy”.
Ông ấy thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản những tua bin gió bị phá hủy. “Chúng chắc sẽ không trụ vững được trong 5 năm đầy bão tố và mưa đá, vì vậy, chúng tôi đã trang bị 2 máy phát điện diesel 100kW, mỗi máy có thể vận hành cơ sở trong 2,5 năm”.
Cùng với thực phẩm dự trữ cho 75 người trong vòng 5 năm - một điều không quá khó để chuẩn bị, tất cả các thiết bị hỗ trợ sự sống về mặt kỹ thuật đã giúp Survival Condo có thể tồn tại. Nhưng Hall cho biết những người sống sót không chỉ cần sống sót, họ cần cả những tiện nghi.
Vì vậy, ngoài các căn hộ riêng tư, Survival Condo còn được thiết kế với cả các khu vực công cộng, như bạn có thể tìm thấy trong bất kỳ khu chung cư cao tầng nào. Hall đã dành một tầng boong-ke để xây một bể bơi 227.000 lít, được thiết kế với một thác nước, có phòng chờ và bàn ăn ngoài trời.
Căn phòng này giống như một ban công ở khu nghỉ dưỡng – mặc dù ở dưới này bạn sẽ không thể nhìn thấy Mặt Trời.
Survival Condo có một rạp chiếu phim, nơi chúng tôi ngồi tựa vào ghế da và xem lại bộ phim Skyfall với chất lượng 4k. Rạp chiếu phim được kết nối với quán bar, ở đây có một hầm rượu với trữ lượng khoảng 2.600 chai. Khi giới thiệu với tôi những khu vực này, Hall nhấn mạnh rằng giải trí, chia sẻ và cộng đồng cũng là những yếu tố quan trọng cần được duy trì trong Survival Condo.
Ông ấy nói các chương trình thí nghiệm tương tự về sự cô lập, một số do quân đội thực hiện trong môi trường tàu ngầm, thường xem nhẹ các yếu tố xã hội. Tuy nhiên, bản thân Hall nhận thấy giải trí cũng có ý nghĩa sinh tồn tương tự như nước, thức ăn và không khí trong thời đại hậu tận thế.
“Nhiều người đến đây thường muốn biết tại sao những thiết bị "xa xỉ" như rạp chiếu phim, tường leo núi, bóng bàn, trò chơi điện tử, trường bắn, phòng tắm hơi, thư viện và tất cả mọi thứ ... lại cần thiết trong một tình huống sinh tồn”, ông nói. “Nhưng điều mà họ không biết là những tiện nghi đó không phải thứ hàng xa xỉ, nó là một công cụ để tồn tại”.
Một chuyên gia của NASA đã được thuê để thiết kế các hoạt động xã hội dưới Survival Condo. Mọi người ở đây phải làm việc 4 tiếng mỗi ngày, trẻ em thì phải đi học.
Hall tin rằng nếu những tiện nghi này không được tích hợp sẵn để khiến bộ não mọi người bận rộn, họ sẽ sớm nảy sinh những suy nghĩ bất bình thường, dẫn đến trầm cảm và những hành vi không thể lường trước được.
Rút kinh nghiệm từ dự án Biosphere 2, ông đã thuê một chuyên gia chăm sóc sức khỏe phi hành gia của NASA để vận hành Survival Condo, giữ cho mọi người ở bên trong đó luôn có việc để làm. Họ có thể học tập, lao động, luyện tập, giải trí, nhưng không được phép ngồi yên quá nhiều.
Nhàn cư vi bất thiện, những người quá nhàm chán có xu hướng sẽ phá hoại, Hall nói. Vì vậy, một nguyên tắc trong công đồng Survival Condo là mọi người đều phải làm việc 4 tiếng mỗi ngày và trẻ em thì phải đi học.
Bên dưới boong-ke này cũng có những phòng học với máy vi tính và thư viện, mặc dù các kệ hiện vẫn còn đang trống sách. Sách sẽ được mang xuống và lấp đầy những chỗ trống này khi mọi người chuyển đến.
Và có hai khu vực mà mọi người có thể lựa chọn lao động, đó là một khu trồng thực vật với đèn Mặt Trời và một trang trại nuôi cá - cả hai đều là nguồn cung cấp thực phẩm tươi cho cộng đồng.
Ngoài ra, Survival Condo có một khu dự trữ thực phẩm, bao gồm đồ khô và đồ hộp đều có hạn sử dụng trên 20 năm. Chúng được đặt trong một khu mua sắm với trần thấp màu đen, tường màu be, nhưng sàn gạch và các khu trang trí được bày biện rất bắt mắt.
Survival Condo có các cửa hàng đồ hộp, đồ khô với hạn sử dụng lên tới 25 năm. Họ cũng có khu vực trồng rau xanh, thư viện và phòng học.
Nếu mọi người chỉ đến hầm thực phẩm và lôi thức ăn ra từ thùng các tông, họ sẽ sớm bị trầm cảm bởi chính những bữa ăn của mình. Bởi vậy, Hall muốn mọi người tới cửa hàng tạp hóa như một sự kiện xã hội.
“Bạn cần khuyến khích mọi người xuống đây, ngửi mùi thơm của bánh mì, pha cà phê và trò chuyện với nhau”, ông nói. Khi tôi bước qua một gian phòng rộng khoảng 170 mét vuông, không khó nhận ra đó là một sảnh khách sạn sạch sẽ và sang trọng.
Tôi nhìn ra một trong những chiếc “cửa sổ” và bị sốc khi thấy màn đêm đã buông xuống phía bên ngoài. Thực ra, chiếc cửa sổ đó là một màn hình LED cỡ lớn, lấy nguồn từ một camera phân giải cao. Nhìn qua đó, bạn có thể thấy những lá sồi đang rung rinh trong gió, chiếc xe mà tôi đang đậu ở bên ngoài và đằng xa, những lính gác vẫn đang đi tuần qua lại.
“Các màn hình có thể phát sóng mọi cảnh tượng mà mọi người muốn thấy, tất nhiên cả camera trực tiếp quay những gì đang xảy ra ở bên ngoài, nhưng hầu hết mọi người thích biết ngoài đó đang là ban ngày hay bạn đêm hơn là quang cảnh một bãi biển ở San Francisco hoặc bất cứ điều gì khác như vậy", Hall giải thích.
Survival Condo mô phỏng một trải nghiệm không gian giống với một chiếc tàu du lịch viễn dương, hơn là một con tàu vũ trụ hoặc tàu ngầm. Bên trong các không gian kín, một số người sẽ phải chịu đựng Claustrophobia, một hột chứng khiến họ lo âu và nhiều khi hoảng loạn.
Vì vậy, những gì mà Hall muốn làm là khiến cho cuộc sống ở Survival Condo trở nên bình thường nhất có thể. Những người chuyển xuống đây, họ sẽ nhanh chóng quên rằng mình đang sống trong một boong-ke dưới lòng đất. Còn những đứa trẻ ra đời ở Survival Condo, nơi này sẽ trở thành thế giới mới của chúng.
Trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, chính phủ, quân đội và các trường đại học ở Mỹ đã tiến hành nhiều thí nghiệm để xem mọi người có thể chịu đựng được việc mắc kẹt dưới lòng đất trong bao lâu.
Trong một nghiên cứu của chính phủ năm 1959 tại Pleasant Hill, California, 99 tù nhân đã bị giam cầm trong vòng 2 tuần. Khi họ được giải phóng lên khỏi mặt đất, "mọi người đều có sức khỏe và tinh thần tốt", nghiên cứu xác nhận.
Nhưng dường như hiệu ứng này chỉ xảy ra với những người biết chắc rằng họ sẽ được ra ngoài. Đối với những người nghĩ rằng họ sẽ bị mắc kẹt vĩnh viễn trong các vụ tai nạn như sập hầm mỏ, đa số sẽ bị xuống tinh thần sau một thời gian ngắn.
Đó là lý do Hall thiết lập Survival Condo với một cột mốc nhất định, tất cả mọi người sẽ được giải phóng sau 5 năm. Nó là một cái đích mà mọi người đều sẽ cùng hướng tới, đem lại cho họ sự hi vọng trong một thế giới hậu tận thế.
Để được vào ở trong Survival Condo, bạn sẽ phải trả 4,5 triệu USD cho một căn hộ (có thể ở từ 6-10 người). Một phiên bản thu nhỏ, căn hộ nửa tầng (có thể ở từ 3-6 người) cũng có giá lên tới 1,5 triệu. Hall hiện đã bán hết toàn bộ silo đầu tiên và đang cải tạo để xây dựng một silo thứ hai.
Thực sự, không phải ai cũng có thể trả số tiền khổng lồ đó để sở hữu một kỳ nghỉ 5 năm hậu tận thế. Nhưng chắc chắn, những người đã mua cho mình một suất ở Survival Condo cũng không muốn có ngày họ phải dùng đến nó.
Một người theo chủ nghĩa sinh tồn hậu tận thế ở California cho biết: “Mọi người không ham muốn cảm giác đi xuống căn hầm, họ chỉ mong mỏi khoảnh khắc được đi ra khỏi đó”.
Nhưng cảm giác thoát khỏi những căn hầm như Survival Condo sẽ như thế nào? “Tôi tưởng tượng khoảnh khắc mình sẽ bước qua cách cửa hầm, khi cuối cùng mọi chuyện cũng kết thúc. Cảm giác lo lắng sẽ được rũ bỏ. Tôi tưởng tượng mình đã dành toàn bộ thời gian ở đó với gia đình tôi, an bình và trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình”, một người khác cho biết.
Khi được hỏi về những gì bạn có thể làm trong căn hầm, một người theo chủ nghĩa sinh tồn hậu tận thế ở Nam Dakota, nói: “Vâng, bạn có thể làm bất cứ điều gì, bạn có thể học thiền, bạn có thể học cách bay lên, bạn có thể học cách đi xuyên tường. Khi bạn thoát khỏi tất cả những phiền nhiễu vô nghĩa xung quanh mình, ai mà biết bạn có thể làm được gì cơ chứ?”.
Nhiều người coi Survival Condo là một bông cúc tái sinh, nơi mọi người cuối cùng có thể thoát khỏi mọi vướng bận trần tục để trở thành “con người tốt nhất của chính mình”. Và có thể bạn cũng đã trải nghiệm một phần hiệu ứng này trong thời gian cách ly của đại dịch COVID-19.
Khoảng thời gian cách ly cuối cùng cũng giúp bạn có được một chút riêng tư, quay trở lại nội tâm của mình, làm những gì mà bạn có thể làm, thay vì chạy theo những nghĩa vụ xô bồ của xã hội.
Trái ngược với một số quan điểm cho rằng những người theo chủ nghĩa hậu tận thế giàu có ích kỷ, và những khu trú ẩn mà họ đang xây dựng thật u ám và đen tối, Survival Condo có thể là một phản đề cho thế giới bên ngoài đang phát triển đầy vũ bão và sự tích lũy vô nghĩa của cuộc sống hiện đại.
Trong đại dịch COVID-19, nhiều người nói rằng việc họ chuẩn bị cho cuộc sống hậu tận thế trong những boong-ke không hề ích kỷ. Theo đó, việc họ có thể tự cách ly dài ngày bây giờ có thể làm giảm áp lực lên hệ thống y tế, tiết kiệm vật tư y tế và nhiều nguồn lực xã hội khác. Không hẳn là trốn thoát khỏi xã hội, những người này đang muốn thúc đẩy xã hội bằng sự chuẩn bị trước của mình.
Có thể thấy, các cơ sở sinh tồn hậu tận thế như Survival Condo mọc lên ngày nay không phải là một bất thường xã hội. Chúng chỉ đang phản ánh một xã hội đương đại với nhiều mối đe dọa hơn, tương tự như những lo lắng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong thế kỷ 21, mùa đông hạt nhân có thể không còn là mối đe dọa thường trực đối với nhân loại. Nhưng chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự như biến đổi khí hậu, sự gia tăng của các đại dịch.
Con người, có vẻ như sẽ không bao giờ ngừng sống với những nỗi sợ hãi thường trực trong đầu họ. Đại dịch Covid-19 bây giờ càng làm tăng mối lo lắng của nhiều người. Nó có khả năng thúc đẩy sự bình thường hóa của những khu trú ẩn hậu tận thế như Survival Condo.
Vì vậy, trong khi những chuyến du hành liên hành tinh còn quá xa vời, có lẽ chúng ta sẽ ngày càng có nhiều khu trú ẩn bên dưới lòng đất như thế này. Tương lai của xã hội loài người có thể không tiếp diễn trên một hành tinh khác mà là bên dưới bề mặt hành tinh của chính chúng ta.
Tham khảo: Theconversation