Anh Nguyễn Tấn Đạt (Quận 3, TPHCM) đã tự tay nhào nặn, hoàn thiện bộ sưu tập hơn 200 món ăn Việt được tạo thành từ đất sét độc đáo, giống như thật.
Là một cử nhân Luật học thế hệ 8X, anh Nguyễn Tấn Đạt (Quận 3, TPHCM) có niềm đam mê mãnh liệt với tranh cá 3D và nghệ thuật tạo hình từ đất sét. Với kinh nghiệm hơn 10 năm nhào nặn với đất sét, trong hơn một năm qua, anh Đạt đã tự tay hoàn thiện cho riêng mình bộ sưu tập hơn 200 món ăn Việt tinh xảo và đẹp mắt giống như thật.
Thời điểm anh Đạt khởi phát ý tưởng vào tháng 4/2020, đây cũng là lúc dịch bệnh bùng phát nên anh có nhiều thời gian để thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm. Anh Tấn tạo ra bộ sưu tập này với mong muốn tạo nên một làn gió mới cho ngành nghệ thuật tạo hình về đất sét, đất nặn Việt Nam - một bộ môn tạo hình nghệ thuật vẫn còn mới lạ và ít người biết tới.
"Mình làm món ăn hay cảnh vật ở miền Tây để gợi nhớ lại kỷ niệm trong những lần về miền quê sông nước để sáng tác ảnh hay đi từ thiện. Ở đó mình được gặp gỡ những con người bình dị, được ăn món ăn dân dã, họ xem mình như người thân trong nhà. Khi mình rời đi rồi, nhưng những hình ảnh thân thuộc đó vẫn còn lưu giữ trong tâm trí", anh Đạt chia sẻ.
Bộ sưu tập món ăn hay cảnh vật ở miền Tây ra đời đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực, anh tiếp tục cho ra đời 2 bộ sưu tập mới là mâm cúng 3 miền Bắc, Trung, Nam và 30 món ăn đặc sản các vùng miền. Song song đó anh còn tái hiện những món ăn vào những thời điểm khó khăn như mì gói, hủ tiếu gõ, bún nước tương…
Anh Đạt cho biết, nghệ thuật tạo hình từ đất sét có xuất xứ từ Nhật Bản, thời gian đầu các nghệ nhân Việt học hỏi và sử dụng đất sét Nhật, về sau tự tạo được nguồn nguyên liệu trong nước với giá thành rẻ, chất lượng.
"Để tái tạo món ăn giống như thật, mình cũng đã đi ăn rất nhiều, nghiên cứu lịch sử, quy trình để làm ra món ăn. Cái khó là làm ra được sản phẩm thật bắt mắt, người xem nhìn vào sẽ gợi nhớ hình ảnh quê hương", anh Đạt nói.
Trong khoảng thời gian 10 năm tiếp xúc và làm việc với các nghệ nhân về đất sắt, đất nặn, anh Đạt luôn cảm thấy bận tâm về việc tại sao những tay nghề Việt sử dụng đất sét thuần Việt lại lấy tên của một bộ môn nghệ thuật nước ngoài. Chính vì vậy anh mong muốn làm một làn gió mới cho ngành nghệ thuật tạo hình về đất sét, đất nặn Việt Nam.
Các tác phẩm trong bộ sưu tập anh Đạt không bán mà lưu giữ cho riêng mình. Một số người quen, bạn bè yêu thích món ăn nào đó và mong muốn có một món ăn tương tự từ đất sét thì anh sẽ tạo hình và gửi tặng riêng.
"Sau thời gian tìm hiểu và hoàn thiện được các sản phẩm làm từ đất sét, tôi cũng có mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm này hoàn toàn miễn phí để loại hình nghệ thuật tạo hình từ đất nặn có thể phát triển thành một cộng đồng", anh Đạt chia sẻ.
(Theo Dân Trí)