Voọc đen má trắng là loài động vật nằm trong danh mục động vật quý hiếm cần được bảo vệ trên thế giới. Từ năm 2010 trở lại đây, tổ chức phi Chính phủ Con người, Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF) đã có nhiều hoạt động phối hợp với tỉnh Tuyên Quang trong việc nghiên cứu, tuyên truyền, vận động để loài động vật này được bảo vệ và phát triển.
Tổ chức PRCF đã triển khai thực hiện các dự án như: Lập kế hoạch bảo tồn sinh cảnh cho loài voọc đen má trắng tại huyện Lâm Bình; bảo tồn dựa vào quần thể loài voọc đen má trắng lớn nhất Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu; dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn loài voọc đen má trắng dựa vào cộng đồng tại huyện Lâm Bình và Na Hang…với tổng vốn đầu tư là 686.382 USD.
Những cá thể loài voọc đen má trắng được phát hiện tại các khu rừng ở huyện Na Hang và Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang.
Ông Luis Fernando Potes Sanches, Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành tổ chức PRCF cho biết, các dự án thực hiện trên địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình nhằm tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái thông qua phương sách thực hiện bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và cam kết với cộng đồng địa phương các giải pháp bền vững cải thiện sinh kế đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là loài voọc đen má trắng quý hiếm.
Để khuyến khích người dân tham gia lập kế hoạch cho khu đề xuất bảo tồn dựa vào cộng đồng, PRCF đã tổ chức hội thảo với toàn bộ các tổ quản lý tài nguyên ở thôn vào tháng 12 - 2016 cho 42 người và đã đưa ra được những khó khăn và giải pháp ban đầu cho bảo tồn loài voọc đen má trắng và phát triển kinh tế xã hội.
PRCF đã xây dựng và cập nhật 4 bản tin tại cầu Nà Mầng, đỉnh đèo Ái Âu, sân vận động Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình) trung tâm thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long (huyện Na Hang); trang bị cho 6 nhóm tuần rừng, mỗi nhóm 1 GPS, 1 máy ảnh số và 1 ống nhòm; trang bị cho 19 cán bộ tuần rừng 2 bộ quần áo đi tuần, giày, tất trong năm.
Hạt kiểm lâm Lâm Bình được hỗ trợ sử dụng phần mềm SMART giám sát các nhân viên tuần rừng thực thi nhiệm vụ. Phát trên 500 tờ poster với mục tiêu thu thập ý kiến về thành lập khu bảo tồn và những ý kiến phát triển kinh tế xã hội cũng như tố giác vi phạm…
Cán bộ kiểm lâm và tuần rừng khảo sát địa điểm sinh sống của loài voọc đen má trắng trên địa bàn huyện Lâm Bình.
Anh Hoàng Văn Thồng, thôn Trung Phìn, xã Sinh Long (huyện Na Hang) được hợp đồng tuần rừng cho biết, qua tập huấn, tuyên truyền anh nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp sức bảo tồn loài voọc quý hiếm. Trong hoạt động điều tra tuần rừng, anh được phân công không chỉ giám sát hoạt động săn bắn, hoạt động chặt phá rừng mà còn giám sát sự mở rộng diện tích thảo quả trên đỉnh núi Bọ Giáp và Bọ Choáng của xã.
Qua khảo sát, anh và nhóm tuần rừng chưa phát hiện điểm ngủ của loài voọc này. Tuy nhiên, nhóm tuần rừng đã đo đếm thêm 3 khoảnh thảo quả mới có diện tích là 11.1 ha nâng tổng số diện tích thảo quả tại khu vực này lên 68.55 ha. Đây là nguồn thức ăn ưa thích và chủ yếu của loài voọc đen má trắng. Trong quá trình đi tuần rừng, các thành viên còn tuyên truyền cho bà con địa phương nâng cao ý thức bảo vệ rừng và loài voọc, phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Các hoạt động của tổ chức PRCF đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn tài nguyên gắn với phát triển cộng đồng; từ đó khuyến khích cộng đồng tham gia mạnh mẽ hơn vào các khía cạnh của dự án như điều tra, lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động, giám sát và đánh giá.