Có một loại gạo trắng thơm, ngon, dẻo được đồng bào người Tày, Nùng ở xứ Lạng trồng cheo leo trên các nương, đồi.
Có phụ nữ nọ thấy ngon quá, ăn hết nồi cơm, quên cả phần chồng nên loại gạo này được gọi là Khẩu Lùm Pua (gạo quên chồng).
Ăn một lần mê ngay
Tôi trở lại xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn vào những ngày cuối cùng của năm 2020. Mảnh đất rừng núi, biên giới này nổi danh với “con đường số 4 rực lửa” thời kỳ chống Pháp. Tràng Định còn được coi là vựa lúa lớn nhất xứ Lạng với các loại gạo thơm ngon, bổ dưỡng.
Bà Trần Thị Giang (52 tuổi, dân tộc Nùng), Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, chỉ cho tôi thấy những đọt lúa đang vươn cao dưới những tán cây quế xanh tươi. Bà cho biết, đó là giống lúa Khẩu Lùm Pua được người dân xã Tân Tiến gieo trồng trên nương cao. Loại lúa này có từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác.
Niềm vui được mùa Khẩu Lùm Pua Ảnh: Duy Chiến |
Theo truyền thuyết, mảnh đất Tràng Định rất màu mỡ, cánh đồng thẳng cánh cò bay, rừng xanh núi thắm rất thơ mộng, tươi đẹp nên 7 nàng tiên trên trời ghé xuống chơi. Thấy dòng suối trong xanh, trái ngọt lúc lỉu trên cành không người hái, chim hót vang, tấu lên khúc nhạc xuân du dương, các nàng tiên rủ nhau tắm suối rồi đi lượm quả, nô đùa thỏa thích, quên hết đường về. Ngọc Hoàng thấy vậy, nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh đóng cửa thiên đình, không cho tiên bay về trời. Tuy vậy, Ngọc Hoàng vẫn lo lắng, thương nhớ các nàng tiên thơ ngây nên lén rải lúa giống xuống vùng Tràng Định. Bảy nàng tiên nhìn thấy những hạt lúa như những viên kim cương trên các rẻo đồi, góc núi bèn cùng nhau vun trồng, hướng dẫn người dân cày cấy, làm nên loại gạo đặc sản riêng có của địa phương.
“Các già làng ở Tân Tiến kể lại, khi nấu cơm chín, mùi thơm ngào ngạt, người vợ ăn thử, thấy ngon nên mải miết xơi hết nồi cơm quên cả phần chồng nên gạo này có tên Khẩu Lùm Pua (tiếng Tày có nghĩa là “gạo quên chồng”), bà Giang nói.
Tôi bắt gặp ông Nông Văn Chung (52 tuổi) cùng vợ là Nông Thị Lân, dân tộc Tày, trú tại bản Châu, xã Tân Tiến, đang thoăn thoắt thu hoạch lúa Khẩu Lùm Pua. Thấy khách lạ, ông ngừng tay, quệt vội những giọt mồ hôi trên trán rồi trò chuyện rất chân tình. “Loại lúa nương này chịu được khô hạn, không cần nước tưới. Hằng năm, cứ qua dịp Tết Nguyên đán, vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, gia đình tôi bắt đầu làm cỏ dưới gốc cây quế, đến tháng 4 âm lịch thì mang thóc giống trồng xen dưới tán cây quế. Đến cuối năm thu hoạch, chuẩn bị gạo quý làm cơm mới, đón xuân”, ông nói.
Theo ông Chung, giống lúa cổ Khẩu Lùm Pua khá hiếm, chỉ trồng xen canh với các loại cây đặc sản khác như quế, thạch đen nên sản lượng ít. Thân lúa cứng cáp hơn lúa thường, vì thế chịu được nắng nóng, mưa bão, sạt lở đất trên đồi cao. Người dân trong làng gieo trồng để ăn, ít bán ra thị trường.
Thơm, ngon hạt gạo nương Tràng Định. Ảnh: Duy Chiến |
Chủ tịch xã Trần Thị Giang kể rằng, vừa qua, huyện Tràng Định mang gần chục cân Khẩu Lùm Pua đến trưng bày tại Hội chợ công thương khu vực phía Bắc tổ chức tại Nam Định, chưa kịp giới thiệu, quảng bá đã có người đến nài nỉ mua sạch. Họ cho biết, nghe danh gạo đã lâu, nay phải thưởng thức cho bằng được. “Loại gạo này hạt dài, nấu ít nước, khi chín hạt nở căng bóng, ăn dẻo, thơm, ngọt nên ăn một lần là mê ngay”, bà Giang nói.
Hướng phát triển mới
Gia đình ông Chung năm nay thu hoạch được hơn một tạ thóc Khẩu Lùm Pua. Không chỉ trồng gạo tẻ, ông còn trồng gạo nếp nương. Ông nói rằng, nhiều người trả 40.000 đồng/kg gạo tẻ, 35.000 đồng/gạo nếp nương, nhưng gia đình ông không bán. “Của quý để nhà dùng thôi. Tết đến khoản đãi bạn bè, người thân. Còn gạo nếp thì đồ xôi cúng thần nông, thổ địa, mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, tươi tốt”, ông Chung tâm sự.
Giở cuốn sổ công tác, bà Trần Thị Giang cho biết, xã Tân Tiến hiện có 613 hộ với 2.800 nhân khẩu thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông; người dân nơi đây chủ yếu làm nông, nhà nào cũng có nương trồng Khẩu Lùm Pua.
Theo bà Giang, tuy Khẩu Lùm Pua là giống lúa đặc sản, được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhưng hiện nay, số hộ gieo trồng không nhiều, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình, do sản xuất trên nương gặp nhiều khó khăn và năng suất không ổn định như những giống lúa khác.
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định, nhận định, việc giữ gìn giống lúa bản địa là rất cần thiết, đặc biệt là hướng đến mục tiêu giới thiệu sản phẩm gạo ngon đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, HTX phối hợp UBND xã Tân Tiến phục tráng giống lúa trên đất nương. “Tôi cũng như các thành viên HTX đã đến tận các thôn, bản của xã để tuyên truyền, vận động người dân đưa giống lúa Khẩu Lùm Pua vào gieo cấy. Sản lượng thóc được HTX bao tiêu toàn bộ. Bên cạnh đó, HTX còn phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn quy trình sản xuất với mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Khẩu Lùm Pua, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng khó khăn của huyện Tràng Định”, ông Hải nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, giống lúa Khẩu Lùm Pua hợp với thổ nhưỡng ở Tràng Định và được trồng nhiều tại các xã Tân Tiến, Vĩnh Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Khánh Long. Xã Tân Tiến được coi là thủ phủ của loại gạo ngon, quý này.
Chủ tịch xã Trần Thị Giang phấn khởi cho biết, nhờ chính quyền và HTX Nông sản sạch Tràng Định, gần đây, người dân Tân Tiến tích cực sản xuất lúa Khẩu Lùm Pua. Nếu như những năm trước, người dân trong xã chỉ gieo cấy 3 - 4 ha/vụ mùa thì vụ mùa năm 2020, gần 200 hộ dân trồng hơn 10 ha lúa nương. Cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, bông to, hạt mẩy. Năng suất đạt 40 tạ/ha (tăng khoảng 1 tạ/ha so với vụ mùa năm trước), tổng sản lượng khoảng 40 tấn, trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
“Thời gian tới, xã nhà tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích ở những nương đồi phù hợp với giống lúa. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Tràng Định tập huấn cho bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, qua đó, hướng đến sản xuất hàng hóa gạo Khẩu Lùm Pua”, bà Giang cho biết.
Chỉ về những ngọn đồi xanh ngút ngàn bà cho biết, bên cạnh giống lúa nương Khẩu Lùm Pua, cây quế trồng xen canh cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tôi được khoản đãi một bữa cơm mới Khẩu Lùm Pua do chính người dân Tràng Định nấu. Chợt nhớ câu ca dao cổ: Tràng Định gạo trắng, nước trong/ Ai mà lên đó thì không mong ngày về.
“Khẩu Lùm Pua là giống lúa nương bản địa có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo. Đây là sản vật quý của người dân Tràng Định khoản đãi bạn bè, người thân khi tết đến, xuân về”, bà Trần Thị Giang, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn |
(Theo Tiền Phong)