Trong đoạn sông khoảng 3.000m2, ông Lần sử dụng lưới sắt quây lại và thả cá chép, trắm hơn 1kg trở lên, nuôi 4 tháng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch để tránh lũ. Ông Lần chia sẻ, sau nhiều năm đào ao nuôi cá, tuy hiệu quả nhưng thời gian nuôi kéo dài, trong khi thị trường đòi hỏi nguồn cung lớn, nhất là dịp cuối năm, giáp tết, nên ông rào sông nuôi thử nghiệm. Năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm, tính toán thời gian sai nên khi lũ về cá bị cuốn trôi mất một nửa. Không nản, vụ cá năm thứ 2 ông tiếp tục thả 8 tạ cá chép, trắm, mỗi con hơn 1kg từ tháng 10 âm lịch. Đến nay bình quân cá chép, trắm đạt trọng lượng khoảng 3kg/con, giá bán 100.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Văn Lần giới thiệu đoạn sông mà gia đình nuôi cá. Ảnh: Hà Nhung
Ngoài ra, ông Lần còn nuôi thêm cá trê phi, giá 60.000 đồng/kg. Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu là rêu, chất thải gia súc, bỗng rượu. “Nuôi theo kiểu này giống như “canh bạc" bởi thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ rủi ro nhưng cá sinh trưởng nhanh, thời gian ngắn, thu nhập cao hơn cá nuôi trong ao…” - ông Lần chia sẻ.
Cùng với nuôi cá sông, ông Lần còn xây dựng trang trại, rào hơn 3ha đồi rừng để nuôi lợn thả rông, duy trì tổng đàn lợn hơn 40 con. Dù giá lợn hơi trên thị trường giảm, nhưng lợn do gia đình ông nuôi vẫn giữ giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, lão nông chăm chỉ này còn nuôi thêm gà thả đồi, trâu và nấu rượu để tận dụng phụ phẩm nuôi lợn, chăn cá.
Mô hình chăn nuôi khép kín của ông Lần mỗi năm lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Nhiều năm liền, Hội Nông dân công nhận gia đình ông Lần đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi.