Xuất phát từ tình yêu với nghề xăm hình nghệ thuật, chàng trai 8X ở Hà Nội đã tạo ra nhiều sản phẩm chạm khắc đồng hồ độc đáo, tinh xảo… thu hút sự quan tâm của nhiều người chơi đồng hồ.
Độc đáo nghề chạm khắc đồng hồ ở Hà Nội
Với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, anh Trần Ngọc Chiến (SN 1989, ở phố Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) đã làm ra nhiều sản phẩm điêu khắc đồng hồ có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao.
Anh Chiến chia sẻ, mới tham gia bộ môn này được hơn 1 năm nay, ban đầu chỉ là niềm đam mê và học hỏi những clip trên mạng về nghệ thuật chạm khắc mặt đồng hồ. “Bản thân đã từng học mỹ thuật và làm nghề xăm hình nghệ thuật được hơn chục năm. Sau đó, thay vì mình vẽ trên giấy thì sẽ thử thực hiện trên các loại vật liệu cứng như thép, đồng, vàng, bạc…”, anh Chiến cho hay.
Cũng theo anh Chiến, đây là nghề còn khá mới ở Việt Nam. Hiện tại ở thủ đô Hà Nội có khoảng 4 người biết chạm khắc mặt đồng hồ, đủ khả năng thực thi những họa tiết tinh xảo.
Để làm ra một bộ mặt số đồng hồ thông thường tiêu tốn thời gian khoảng hơn 2 tuần, tùy thuộc vào họa tiết và độ cầu kỳ của từng chiếc đồng hồ. Mỗi mặt số, bộ vỏ, cỗ máy bên trong chiếc đồng hồ đều được chế tác tỉ mỉ, tạo nên nét khác biệt cho từng chiếc đồng hồ.
Giá chạm khắc của một bộ mặt số đồng hồ thông thường dao động từ 3-5 triệu đồng. Những mặt số có họa tiết cầu kỳ hơn hoặc khảm thêm vàng thì có giá dao động từ 8-12 triệu đồng.
Theo anh Chiến, nghề chạm khắc dùng máy khắc, nhất là sử dụng chạy bằng khí nén chưa phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay, những người làm nghề như anh Chiến chủ yếu dùng kỹ thuật gò, thúc nhiều hơn. Để tạo những đường cắt sáng bóng như vậy người thợ cần đánh bóng các cạnh của mũi đục sáng bóng bằng đá mài hoặc đĩa gốm kim cương chuyên dụng.
Để tạo tác được một chiếc đồng hồ chạm khắc thủ công phải kết hợp với thợ đồng hồ để có số liệu kỹ thuật về kích thước, độ dày mặt đồng hồ, kích thước kim đồng hồ phù hợp. Anh Chiến lấy ví dụ, với mặt đồng hồ trung bình với đường kính khoảng 32mm và độ dày chỉ 0.4mm (4/10mm) – người thợ khắc phải đáp ứng sai số đường kính không được vượt quá 2%mm và độ dày không được quá 5%mm nếu không sẽ không thể lắp vừa vào vỏ đồng hồ.
Độ dày mặt đồng hồ không đúng sẽ dẫn đến việc kim lắp quá sát hoặc chạm mặt số khi hoạt động, lắp cao thì chạm mặt kính và có thể còn không lắp được kim do mặt số quá dày.
Đây là sản phẩm đầu tay của anh Chiến, để chạm khắc được chiếc đồng hồ này tiêu tốn thời gian khoảng 2 tháng. Vì là mới bắt đầu làm nên còn khá nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, nhất là tìm kiếm mũi đục chưa phù hợp, rất nhanh mòn. Sau một thời gian tìm hiểu anh Chiến đã chọn được chất liệu mũi đục tốt hơn và lúc đó mới có thể chạm khắc lên chất liệu đồng hồ vỏ thép này.
“Có rất nhiều người trả giá cho chiếc đồng hồ này. Người trả giá cao nhất là khoảng 50 triệu đồng nhưng tôi không bán vì nó là chiếc đống hồ tâm huyết đầu tiên của tôi”, anh Chiến chia sẻ thêm.
(Theo Dân trí)