Ông Ngọ từng nổi tiếng là người mê cây, ham đến đến mức dám cả gan bán con trâu duy nhất của gia đình để mua cây cảnh. Trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông cũng là một trong các nghệ nhân được đưa cây cảnh ra trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội và nhiều tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng với khách thăm quan.
Hơn 7 năm sau sự kiện trọng đại đó, ông Ngọ vẫn miệt mài với niềm đam mê của mình. Đó là “thổi hồn” cho những cây xanh vô tri vô giác, trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, vừa làm tươi đẹp, phong phú thêm cuộc sống, vừa tăng thu nhập cho bản thân, gia đình.
Cây phi lao của ông Ngọc có dáng cong cong hình chữ S, hình "Bản đồ Việt Nam" .
Ông Ngọ cho biết “Mỗi cây một vẻ đẹp khác nhau, cái đẹp lại phụ thuộc rất nhiều vào mỗi người. Tuy nhiên, trong “giới cây cảnh” thì nó được chia ra các nguyên tắc. Ví dụ, cây có giá trị kinh tế cao, trước tiên phải là cây cổ thụ, có dáng thế "độc", có xuất xứ “cao sang, quyền quý”, có ý nghĩa về phong thủy…”.
Đây là một trong các kiệt tác mà ông Ngọ rất tâm đắc, nó chất chứa trong đó tình yêu cây và tình yêu đất nước.
1/3 thân cây phi lao đã bị mục rỗng, hốc hác trông rất cổ kính.
Gốc cây sần sùi cổ kính, với các rễ vắt ngang dọc. Ông Ngọ gọi đó là dòng sông Mê Kông, Cửu Long đang chảy từ trong đất liền đổ ra biển.
Theo quan sát của PV, thân cây phi lao này hốc hác, rỗng 1/3, bên gỗ thân cây đã mục khô, bên vỏ vẫn tươi xanh, rêu phong phủ bám. Đặc biệt, các cành lá của cây phi lao vẫn xanh tốt, được chủ nhân uốn lượn thả dáng rất mềm mại.
Ông Ngọ cho biết, cây phi lao rất cứng và giòn, nên việc uốn nắn theo thế rất khó, nhất là uốn cành tạo thế “thác đổ”, “lò xo” rất cầu kỳ và tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo của mình, ông Ngọ đã "chinh phục" được nhược điểm này và biến cây phi lao thành một tác phẩm vô cùng ấn tượng.
Tán lá sum suê tựa như cánh rừng bạt ngàn mạn Tây Bắc, Đông Bắc, nhất là vùng Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu...
“Thân cây cong cong hình chữ S, cành lá phía trên xanh tốt, tựa như rừng vùng Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. U hốc hác giữa cây, tựa như khu vục Đà Nẵng, phần gốc, rễ mọc đan xen tựa như dòng sông Mê Kông, Cửu Long đang đổ về biển” – ông Ngọ cho biết.
Theo ông Ngọ, tác phẩm phi lao dáng “Bản đồ Việt Nam” đã có nhiều người trả từ 100 – 200 triệu đồng, nhưng ông vẫn chưa bán.
Khi được hỏi nếu bây giờ khách trả giá khoảng bao nhiêu tiền thì ông bán? Ông Ngọ bảo: "Người bán thì muốn bán giá cao, người mua thì muốn rẻ, đó là chuyện hàng ngày. Nhưng với cây cảnh, việc “thuận mua, vừa bán” và cái duyên là rất quan trọng".