Sở KH&ĐT TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến về dự án chỉnh trang nhà trên và ven rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TP.HCM do Tập đoàn Anh Vinh đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Đây là tuyến rạch thuộc vùng trung tâm TP còn trong tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm đang được UBND TP kêu gọi đầu tư thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Đường rộng 11 m, vỉa hè 9 m
Theo đề xuất của Tập đoàn Anh Vinh, đơn vị này sẽ đầu tư hơn 2.530 tỉ đồng để thực hiện dự án mở đường dọc rạch Văn Thánh theo hình thức đổi đất. Khu đất nhà đầu tư muốn hoán đổi có diện tích khoảng 1,8 ha, nằm gần nhà ga số 1 của tuyến metro số 1 thuộc dự án đường sắt Bến Thành-Suối Tiên (nằm ở phường 22, quận Bình Thạnh ).
Dọc rạch Văn Thánh đang có hàng trăm căn nhà lụp xụp, nhếch nhác. Ảnh: KB
Hiện giá trị khu đất trên chưa được xác định. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư, nếu khu đất có giá trị lớn hơn tổng mức đầu tư dự án thì đơn vị này sẽ hoàn trả cho TP số tiền chênh lệch. Trường hợp khu đất có giá trị thấp hơn, TP phải giao thêm cho nhà đầu tư một số khu đất khác hoặc thanh toán số tiền chênh lệch.
Đoạn đường dọc rạch Văn Thánh do nhà đầu tư đề xuất thực hiện được xác định từ ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Văn Thánh, với chiều dài hơn 2 km. Theo đó, lòng rạch dự tính rộng 30 m, đường hai bên rạch mỗi bên rộng 11 m, vỉa hè rộng 9 m.
Tập đoàn Anh Vinh cam kết sẽ tự bỏ kinh phí thực hiện nghiên cứu và lập đề xuất dự án đầu tư theo hình thức nêu trên. Trong trường hợp dự án không được UBND TP chấp thuận, phê duyệt, đơn vị này sẽ không yêu cầu hoàn trả số tiền này.
Cần giải tỏa hơn 830 hộ dân
Sau khi nghiên cứu, lập dự án đề xuất, nếu được UBND TP phê duyệt, Tập đoàn Anh Vinh cam kết sẽ ứng vốn trước để UBND quận Bình Thạnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến thời gian hoàn chỉnh hồ sơ dự án được thực hiện trong năm 2018. Trong năm 2019 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng. Sau khi được bàn giao mặt bằng, đến năm 2020 nhà đầu tư sẽ bắt đầu thi công. Dự kiến công trình sẽ thi công xong trong vòng 12 tháng.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, trước khi Tập đoàn Anh Vinh đề xuất dự án, UBND quận Bình Thạnh đã từng kiến nghị UBND TP cần thực hiện dự án cải tạo chỉnh trang rạch Văn Thánh kết hợp với mở đường hai bên. Đoạn rạch cần chỉnh trang được quận Bình Thạnh xác định có tổng chiều dài khoảng 2,9 km, đi qua địa bàn các phường 19, 21 và 22 thuộc quận Bình Thạnh.
Số liệu khảo sát do UBND thực hiện xác định dọc tuyến rạch Văn Thánh có 834 hộ dân bị ảnh hưởng, cần phải giải tỏa . Trong đó có đến 694 hộ phải giải tỏa hoàn toàn. Song theo UBND quận Bình Thạnh, do hầu hết nhà dân ven rạch Văn Thánh đều chưa có giấy tờ hợp pháp nên mức bồi thường , hỗ trợ sẽ thấp và người dân khó có đủ tiền để tạo lập nơi ở mới.
Với thực tế này, quận Bình Thạnh đề xuất phương thức bồi thường cho người dân bằng căn hộ thay vì bằng tiền. Theo đó, tổng giá trị dự kiến để thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.300 tỉ đồng.
Đến ngày 6-4, tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân có nhà ven rạch Văn Thánh cho biết họ vẫn chưa nhận được thông tin về dự án nói trên nên chưa thể đưa ra ý kiến chính thức. “Gia đình chúng tôi đã ở đây từ trước 1975. Tổng diện tích nhà đất của gia đình tôi hơn 120 m2, nếu tính theo giá thị trường hiện nay có giá trị rất lớn. Do đó nếu Nhà nước muốn thu hồi phải có mức bồi thường tương xứng” - một chủ hộ nhà gần cầu Văn Thánh, phường 21, quận Bình Thạnh bày tỏ.
834 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có đến 694 hộ phải giải tỏa hoàn toàn.
_____________________________
Nguồn gốc đất rất "phức tạp"
Theo yêu cầu của Sở KH&ĐT, đến ngày 6-4, các đơn vị liên quan đến dự án chỉnh trang nhà ven và trên rạch Văn Thánh phải gửi ý kiến góp ý để đơn vị này tổng hợp trình UBND TP xem xét. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một số đơn vị cho biết vẫn chưa có văn bản góp ý chính thức gửi cho Sở KH&ĐT.
Một lãnh đạo Sở GTVT cho hay đơn vị này sẽ tập trung góp ý về mặt thoát nước, giao thông. Còn theo một nguyên lãnh đạo Sở TN&MT, nguồn gốc đất dọc rạch Văn Thánh rất phức tạp do đó công tác giải phóng mặt bằng cần phải được thực hiện cẩn trọng.