Năm 2018 tiếp tục là năm khó khăn của ngành dầu khí khi giá dầu biến động khó lường, khối lượng công việc hạn chế và giá dịch vụ suy giảm. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đạt được những kết quả khá tích cực.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết các đơn vị thành viên đều giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra từ 3 – 19%, trong đó sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính cũng đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 626.800 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm và tăng 26% so với năm 2017.
Một thành viên lớn trong ngành là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas- GAS) đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng năm 2018 từ 4-52% bao gồm sản xuất và cung cấp trên 9,6 tỷ m3 khí, trên 1,6 triệu tấn LPG, trên 95.000 tấn condensate.
PV Gas cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính từ 33-83% (doanh thu 74.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14.098 tỷ đồng), về đích trước kế hoạch 2-3 tháng và tăng từ 12%-14% so với năm 2017.
Kết quả trên có thuận lợi từ việc giá dầu bình quân cao hơn so với kế hoạch, hệ thống khí của PV Gas hoạt động ổn định, an toàn. Dù vậy, PV Gas cũng gặp khó khăn khi một số lô/mỏ bị sự cố thiết bị làm gián đoạn cấp khí, lượng khí Cửu Long về bờ ngày càng giảm, vướng mắc tại một số dự án,…
Theo Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), giá dầu sụt giảm sâu và liên tục duy trì ở mức thấp đã gây ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp. Giá dầu thô trong năm 2018 có thời điểm trên mức 70 USD/thùng nhưng biến động khó lường và bất lợi, đặc biệt trong quý IV/2018 khi giá dầu WTI vừa lập kỷ lục ngắn hạn với 76,4 USD/thùng vào đầu tháng 10 đã giảm sâu xuống mức 42,5 USD/thùng vào cuối năm.
Ngoài ra PVS còn đối mặt với nhu cầu dịch vụ dầu khí vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi cả về lượng lẫn giá dịch vụ, cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực dịch vụ, khối lượng công việc ít, công tác triển khai dịch vụ ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn,…
Dù vậy, công ty vẫn thông báo vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm 2018 với doanh thu hợp nhất là 15.000 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ghi nhận 960 tỷ đồng, vượt 37% kế hoạch năm.
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) tổng kết năm 2018 với doanh thu ước đạt 5.715 tỷ đồng, tương đương 191% kế hoạch đầu năm; dự kiến hòa vốn nếu thu được 80% tổng nợ quá hạn từ PVEP.
Trong năm qua, PVD đối mặt với bối cảnh cạnh tranh của thị trường cung cấp giàn khoan cũng như các dịch vụ liên quan ngày càng gay gắt, mức giá cho thuê giàn vẫn thấp dưới mức chi phí và dẫn đến PVD phải chịu lỗ để duy trì hoạt động. Ngoài ra, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh cao, các rào cản về bảo hộ mậu dịch, thuế quan,…
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) đạt kết quả ấn tượng trong năm 2018. Doanh thu hợp nhất dự kiến 7.750 tỷ và lợi nhuận đạt 910 tỷ đồng. Đây là kết quả cao nhất trong 16 năm phát triển của doanh nghiệp.
Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC) báo cáo doanh thu hợp nhất năm 2018 ước đạt 2.378 tỷ, lợi nhuận trước thuế dự kiến 5,9 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 102 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch.
Theo PVC, kết quả trên là nhờ tổng công ty đã tập trung triển khai công tác tái cấu trúc, phát triển các lĩnh vực kinh doanh/dịch vụ ít bị tác động ảnh hưởng của giá dầu thô và các dịch vụ trên bờ; hoàn thiện hệ dung dịch riêng để gia tăng giá trị thương mại...
Giá dầu năm 2019 được dự báo giảm
Trong năm 2018, giá dầu biến động khó lường khi tăng nhẹ ở thời điểm đầu năm và đạt đỉnh vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, giá dầu quay đầu giảm mạnh và bắt đầu đi vào trạng thái đi ngang trong 3 tháng cuối năm do các lo ngại về việc dư thừa nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Diễn biến giá dầu WTI Crude 1 năm qua. Nguồn Bloomberg.
Theo báo cáo của chứng khoán BSC, các tổ chức lớn như OPEC, IEA, Morgan Stanley dự báo điều chỉnh giá dầu trung bình thế giới trong năm 2019 sẽ giảm nhẹ so với năm 2018. Giá dầu WTI trong năm sau sẽ giảm về mức trung bình 59 USD/thùng, giá dầu Brent sẽ giảm nhẹ về mốc trung bình 66 USD/thùng. Giá dầu Singapore FOB cũng sẽ giảm nhẹ về mức 45 USD/thùng.
Giá dầu 2019 dự báo giảm dựa trên nguồn cung từ Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng, OPEC mất dần khả năng chi phối thị trường dầu mỏ; Nguồn cầu dầu mỏ tăng chậm hơn mức cung và dự báo nguồn cung sẽ vượt cầu trong năm 2019-2020; FED có khả năng tiếp tục lộ trình tăng lãi suất thêm 2 lần và đẩy giá dầu thường được niêm yết bằng USD giảm nhẹ; những tiến bộ về chi phí sản xuất, các yếu tố chính trị,…