"Đổi mới tư duy, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển" là tựa đề bài viết của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dành riêng cho cuốn sách "Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết" do TTXVN xuất bản, mua bản quyền nội dung của tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate.
VietnamPlus trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài viết:
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, bối cảnh năm 2020 dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong năm là rất nặng nề.
Để đạt được mục tiêu trong năm 2020, trước hết, phải lấy phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển.
Những thành tựu kinh tế-xã hội
Năm 2019 các kết quả kinh tế nổi bật đat được đó là duy trì nền tảng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh khu vực và quốc tế biến động mạnh; tăng trưởng khá cao; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được củng cố, mở rộng.
Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; trong bối cảnh khó khăn các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực; sản xuất công nghiệp tăng mạnh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nông nghiệp tương đối ổn định; trong đó xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc; khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, khó khăn được tháo gỡ, thủ tục hành chính được cắt, giảm, đơn giản hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tiếp cận thị trường và nguồn lực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình mới. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm sau cao hơn năm trước.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, xếp hạng 67/141 nền kinh tế (tăng 10 bậc so với năm 2018) và xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018).
Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững, vị thế, uy tín, vai trò của Quốc gia được khẳng định và nâng cao. Việt Nam ngày càng giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
Tôi nhấn mạnh 3 nguyên nhân để đạt được những thành tựu trong năm 2019 , bao gồm: kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử gần 35 năm đổi mới, những kết quả toàn diện đã đạt được trong 3 năm 2016, 2017 và 2018 và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân; sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội; sự phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả hơn của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đáp ứng mong đợi của xã hội.
Đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Việt Nam nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, tranh thủ được các cơ hội mang lại trong quá trình hội nhập và hạn chế những rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình phát triển đất nước.
Trong thành công chung của cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp đánh giá chung các chính sách phát triển kinh tế-xã hội đã luôn quán triệt sâu sắc và kiên định tinh thần cải cách, đổi mới, nỗ lực bứt phá, phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đề ra với quyết tâm cao nhất, nhất là trong công tác tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, luôn đi đầu trong công cuộc cải cách, đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Cần các động lực cho tăng trưởng
Bối cảnh năm 2020 dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong năm 2020 là rất nặng nề.
Nghị quyết số 85/2019/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2020 đã được Quốc hội thông qua, đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%...
Để thực hiện thành công Nghị quyết trên của Quốc hội, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cụ thể hóa 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội và các chỉ tiêu ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện, các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan thực hiện trong năm, phương án và kịch bản điều hành của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Theo tôi, chúng ta cần quyết liệt đổi mới và cải cách hiệu quả hơn nữa để khơi thông thể chế, nguồn lực cho phát triển; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn... sẽ giúp cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực.
Cùng với nền tảng vĩ mô ổn định, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan để cải cách, đổi mới, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, là điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế phấn khởi, gia tăng đầu tư, sản xuất, tạo ra những năng lực mới tăng thêm cho nền kinh tế, giúp thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên, theo tôi cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc cùng sự đồng thuận, chung tay của toàn thể nhân dân để cùng khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí, bản lĩnh, khát vọng con người Việt Nam để vượt lên khó khăn, thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tạo đà xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng trong những năm tới.
Trước hết, phải lấy “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ; phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển;” tiếp theo, “lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.”
Và đặc biệt là làm sao để khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững; đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế./.