Những "tay mai" ngày kiếm tiền triệu
Khi nắng bắt đầu ngả sang chiều, trên bãi bồi nước rút Chương Xá (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), những người phụ nữ với nai nịt, khẩu trang, găng tay và đôi ủng, bắt đầu cuộc sống mưu sinh của mình - đào sá sùng trên cát.
“Lúc thuỷ triều xuống, nước rút đến đâu, chúng tôi đi đào đến đấy. Mỗi buổi nhiều cũng được 2-3 kg, ít thì hơn 1kg, có ngày gặp may đào được nhiều, cũng kiếm được khoảng 1 triệu/buổi”, chị Hoa, người dân Chương Xá, cho biết.
Những người phụ nữ Chương Xá đi "đào vàng" khi thủy triều rút
Trên bãi bồi cuối giờ chiều ở xã Quan Lạn, hàng chục phụ nữ đang làm việc tích cực, trên tay những giỏ đầy ăm ắp những con sá sùng tươi rói. "Cách đây chừng hai năm thôi, mỗi buổi đi đào cũng phải được 3-4 kg, nhưng giờ cả buổi nhiều chỉ 2-2,5kg, có khi được non 1kg vì các công trình mọc lên như nấm", chị Phạm Thị Duyên (xã Quan Lạn) chia sẻ.
Đào sá sùng là công việc chính của chị Duyên và cũng là nguồn thu nhập chủ yếu trong gia đình chị. Số tiền này để trang trải sinh hoạt và chi phí cho 2 đứa con đang học phổ thông.
Ở đây, nhiều thế hệ lớn lên từ cồn cát, thu nhập chính từ nghề đào sá sùng. Anh Phạm Văn Hoàn ở Tân Phong (Quan Lạn) kể rằng, nghề săn sá sùng gắn bó nhiều đời với người dân Quan Lạn. Tuổi thơ anh gắn liền với chiếc mai, chiếc rổ đi đào, đi soi sá sùng.
Trung bình, mỗi ngày người dân có thể thu được tiền triệu từ việc đào loài sá sùng - sản vật chỉ có ở vùng biển Quảng Ninh |
Những năm trước, khi du lịch còn chưa phát triển, đào sá sùng được coi như nghề kiếm ra vàng ở Vân Đồn nói chung và vùng Quan Lạn nói riêng. Ngày đó, vào thời cao điểm, một “tay mai” (người đào sái sùng) có thể nuôi sống cả gia đình. Chính bởi nổi tiếng với giá trị dinh dưỡng, độ ngọt tự nhiên hiếm có, sá sùng được thương lái thu mua ngay tại các bãi bồi, sau đó bán lại cho các mối, nhà hàng, quán ăn. Đặc biệt, sá sùng khô được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng và thu mua với giá cực cao.
Hiện trên thị trường, giá sá sùng tươi dao động trên dưới 500.000 đồng/kg. Còn sá sùng khô có giá từ 2-4,5 triệu đồng/kg tùy, vào chất lượng và mục đích sử dụng. Thường thì, sá sùng loại rẻ nhất khoảng 1,8-2,4 triệu đồng/kg; loại thượng hạng 4-4,5 triệu đồng/kg.
“Tuy không giàu nhưng đây là nghề cứu cánh của cả gia đình trong những thời kỳ kinh tế khó khăn. Bây giờ, hàng ngàn người dân vẫn lấy nghề đào sá sùng làm mưu sinh cho cả gia đình, cho nên rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh quy hoạch, giữ vững các bãi sá sùng tự nhiên”, một ngư dân đã ngoài 70 tuổi chia sẻ.
Bảo vệ những bãi vàng tự nhiên
Chỉ có một số vùng rất ít của Quảng Ninh như Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái... có sá sùng sinh sống và phát triển. Từ khi phát hiện ra giá trị dinh dưỡng vô cùng quý giá của sá sùng, giá của nó cũng được đẩy lên cao thành "vàng biển". Người săn tìm sá sùng ngày càng nhiều và kéo theo hàng chục phương thức khai thác khác nhau.
Nhiều dự án đổ dồn về vùng biển khiến môi trường sống của sá sùng ngày càng bị thu hẹp. |
Sự xuất hiện của hàng loạt dự án cũng khiến môi trường sống, ô nhiễm nguồn nước... - không gian sống của sá sùng - dần bị thu hẹp, rơi vào tình trạng tuyệt chủng.
Ngày 5/11/2011, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 01/2011-BNNPTNT đưa sá sùng vào loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, thứ hạng nguy cấp cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Tại Vân Đồn, bãi sá sùng Chương Xá (xã Đông Xá) có diện tích khoảng 478 ha, nằm ngay ven bờ, có địa thế rất đẹp. Nhiều dự án xây dựng khu đô thị, nhà hàng, khách sạn,... tìm về khiến vùng khai thác sá sùng ngày càng thu hẹp.
Những người phụ nữ mưu sinh nhờ loài "giun biển" |
Để bảo vệ tài nguyên bản địa cũng là nơi mưu sinh của những người dân sống bằng nghề khai thác sá sùng, UBND huyện Vân Đồn đã đề xuất đưa khu vực bãi sá sùng Chương Xá vào vùng bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản trong giai đoạn đến năm 2035, từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, an sinh xã hội.
Kết luận 56/KL-TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu rõ: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.
Một trong những nhiệm vụ đề ra tại Kết luận là hạn chế tối đa các dự án phát triển kinh tế sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai nhất là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư và vùng ven biển.