Theo hợp đồng này, hai bên sẽ hợp tác chiến lược toàn diện. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư để sở hữu 19% vốn điều lệ công ty FECON mẹ (FCN) và 36% vốn điều lệ Công ty công trình ngầm FECON ( FCU), Raito cũng tăng cường phát triển mảng công trình ngầm và xử lý nền bằng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, Fecon và Raito cũng sẽ cùng nhau triển khai mảng kinh doanh mới sử dụng công nghệ bảo vệ mái dốc đã áp dụng thành công tại Nhật Bản thông qua hợp tác toàn diện với FECON tại Việt Nam.
Theo đại diện FECON, đây là bước đi chiến lược và quan trọng của công ty liên quan đến mảng công trình ngầm đô thị, xử lý nền đất phòng chống sạt lở các công trình đi qua khu vực miền núi, các công trình hạ tầng ven sông ven biển đang có nhiều nguy cơ sạt lở do biến đổi khí hậu.
Trước đó, FECON và Raito cũng đã cùng nhau thành lập Công ty Cổ phần Địa kỹ thuật tiên tiến Raiot FECON (RFI) vào năm 2016.
Với việc nhận chuyển nhượng toàn bộ trái phiếu chuyển đổi do DBJ đang sở hữu và 2,417,620 cổ phiếu trên thị trường, Raito dự kiến sở hữu trên 19% vốn điều lệ của công ty FECON mẹ (FCN) và 9,423,828 cổ phiếu tương ứng với 36% vốn điều lệ cổ phần Công ty công trình ngầm FECON ( FCU), Raito sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược của FECON.
Với khoản đầu tư này, FECON và Raito Kogyo sẽ cùng nhau nghiên cứu, phát triển và thực hiện các dự án về hạ tầng giao thông (đường bộ, cảng, đường thủy), các dự án đường sắt đô thị và thoát nước ngầm tại Hà Nội và TP.HCM, dự án chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á và các nước lân cận khác.
Được biết, theo hợp tác giữa hai bên, Raito Kogyo sẽ cung cấp và chuyển giao các công nghệ tiên tiến mà Raito là một trong những tập đoàn hàng đầu về xử lý nền đất yếu, xử lý nước ngầm, xử lý sạt trượt…
Tập đoàn này cũng đã tham gia vào thị trường các nước đang phát triển khoảng 10 năm nay trên cơ sở thi công cho các dự án ODA Nhật Bản tại các nước đang phát triển. Ngoài ra Raito cũng đã và đang thi công các công trình cải tạo nền móng cho các dự án tàu điện ngầm tại Singapore, Đài Loan, Hong Kong...
Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT công ty FECON, Việt Nam và các nước lân cận có nhiều tiềm năng phát triển hạ tầng, với lợi thế từ công nghệ, thương hiệu, uy tín và các mối quan hệ quốc tế của Raito và sự sẵn sàng hội nhập của FECON sẽ đem lại sự cạnh tranh tốt cho FECON và cả tổ hợp Raito - FECON.
Tầm nhìn những năm 2020 của FECON là trở thành tập đoàn hàng đầu về xây dựng và phát triển hạ tầng tại Việt Nam. Ông Khoa tin tưởng với sự hỗ trợ về công nghệ và tài chính của Raito, FECON tin tưởng sẽ thành công trong thời gian tới.
Hai đơn vị này cũng đã hợp tác với nhau từ tháng 6/2015 với một thỏa thuận hợp tác thi công công trình ngầm bằng công nghệ Jet Grouting - khoan phụt vữa áp lực cao đường kính lớn tại dự án Metro Line 1 TP. Hồ Chí Minh đoạn Bến Thành – Suối Tiên. Tháng 9/2016 thì thành lập công ty RFI, sau 2 năm hoạt động đã tăng trưởng trên 30%
FRI hiện đang tham gia một loạt dự án lớn tại TPHCM, Đà Nẵng và Quảng Ngãi là dự án XL-01, dự án Golden Hill, Dự án Package G, Dự án Nam Hội An, Dự án Hòa Phát…
Hiện, Raito là một trong những tập đoàn xây dựng lớn tại Nhật với 70 năm hoạt động trong lĩnh vực thi công nền móng công trình. Quy mô công ty ngày càng được mở rộng với 1.016 nhân viên. Raito đã bắt đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo từ năm 1979, tính đến tháng 3 năm 2018 tổng tài sản thuần hợp nhất đạt đến 58,7 tỉ Yên, doanh thu hợp nhất 100,1 tỉ Yên.
Còn FECON đang là một trong những nhà thầu xây dựng công trình ngầm lớn nhất Việt Nam với 15 năm kinh nghiệm. FECON đặt mục tiêu chiến lược trở thành Nhà đầu tư và xây dựng hạ tầng hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện có 17 đơn vị thành viên trong hệ thống, trong đó bao gồm các doanh nghiệp liên doanh tại Myanmar. Năm 2018 FECON ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.860 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng, tăng trưởng trên 42% so với năm 2017. Mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2019 là 4.200 tỷ đồng, tăng 47%.