Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Yeah1 (MCK: YEG) ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa công bố giao dịch bán tối đa 5.050.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 41,66% xuống 25,52%. Thời gian giao dịch dự kiến từ 17/2 - 17/3/2020, phương thức giao dịch thỏa thuận. Mục đích bán cho đối tác chiến lược.
Trong cùng thời gian, Tổng giám đốc Đào Phúc Trí cũng đăng ký bán tối đa 1.000.000 cổ phần cho đối tác chiến lược và chuyển quyền góp vốn 100.000 cổ phiếu khác vào CTCP Unicorn Venture. Tỷ lệ sở hữu dự kiến giảm từ 8,3% về 4,78%.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và cộng sự Đào Phúc Trí là những "co-founder" của Yeah1 từ giữa thập niên trước, khi Yeah1 chỉ mới là một diễn đàn dành cho giới trẻ.
Nếu bán cổ phiếu theo mức tối đa đã đăng ký, tỷ lệ sở hữu của "cặp bài trùng" Yeah1 sẽ giảm mạnh về 30,3%, dẫu vậy vẫn là nhóm cổ đông lớn nhất tại Yeah1. Theo sau là quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital Venture (9,74%) và một pháp nhân liên quan là Ancla Assets Ltd (10,93%).
Ngoài ra, Yeah1 còn 23,69% cổ phần được nắm giữ bởi các cổ đông nhỏ (<5%) và 5,67% cổ phiếu quỹ.
DFJ VinaCapital bắt đầu rót vốn vào Yeah1 chừng 12 năm trước và là động lực quan trọng để Yeah1 trở thành startup công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay. Không chỉ về vốn, DFJ Group còn giúp Yeah1 kết nối với nền tảng công nghệ và ý tưởng số từ tập đoàn Mỹ.
Tuy nhiên từ khi Yeah1 niêm yết chứng khoán năm 2018, DFJ VinaCapital không ít lần bày tỏ ý định thoái vốn, trong bối cảnh vòng đời hoạt động của quỹ mạo hiểm này đang đi tới hồi kết.
Phép tính của Chủ tịch Yeah1
Khi sự gắn bó của DFJ VinaCapital không còn là một bảo chứng cho chặng đường phát triển sắp tới của Yeah1, thì việc Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược khác, được cho là "tất lẽ dĩ ngẫu", bởi sự cố với YouTube đầu năm ngoái dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ cho thấy Yeah1 dễ tổn thương sau quá trình trình tăng trưởng rất nhanh.
Đánh giá với người viết, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông số nhìn nhận Yeah1 là "của hiếm" trong làng công nghệ hiện nay. Trong khi Viettel đứng đầu ở viễn thông, VNG là game thì Yeah1 chính là cái tên tiên phong trong tạo ra và kết nối các nền tảng truyền thông số. "Khó có một Yeah1 thứ hai ở Việt Nam, dù có bỏ ra rất nhiều tiền trong khoảng thời gian tương tự", vị này cho hay, nhấn mạnh với thị trường 90 triệu dân trong nước, chưa kể quốc tế, tiềm năng phát triển của Yeah1 là rất lớn, khi không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên hữu hình như nhiều ngành nghề khác.
"Sau 2 năm lên sàn chứng khoán, đặc biệt trải qua sự cố YouTube, dường như họ đã nhận thức rõ hơn về các yếu điểm, và nhìn ra mình cần gì cho chặng đường phát triển sắp tới. Cổ đông chiến lược là bắt buộc đối với một startup công nghệ mang trong mình nhiều tham vọng như Yeah1", vị chuyên gia bổ sung thêm.
Trong lúc này, vẫn chưa rõ danh tính đối tác chiến lược nhận chuyển nhượng gần 20% cổ phiếu Yeah1, cũng chưa biết là pháp nhân trong hay ngoài nước. Nhưng chắc hẳn đó phải là một tổ chức không những giàu tiềm lực tài chính, mà còn đi đầu về công nghệ, khi kết hợp với Yeah1 sẽ tạo ra sức mạnh vượt trội để giúp Yeah1 và Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống hiện thực giấc mơ quốc tế hóa Yeah1, cùng với đó, đủ khả năng "tỳ đè" ngay với các tập đoàn công nghệ toàn cầu trên thị trường Việt Nam, tránh những bước "hụt" đáng tiếc như sự cố với YouTube cách đây 1 năm.
Giảm tỷ lệ sở hữu từ non nửa xuống còn hơn 30%, Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng cộng sự Đào Phúc Trí dường như chấp nhận cuộc chơi lớn, dũng cảm hi sinh lợi ích, đổi lại là một viễn cảnh tươi sáng cho Yeah1 trong thời gian tới.