Đi cùng với sự phổ biến của xe điện , các phát minh, cải tiến về mặt công nghệ cho loại phương tiện mới này cũng dần một nhiều lên. Mới đây nhất, nhà sản xuất pin số 1 thế giới đã giới thiệu một sản phẩm có nhiều đặc tính rất nổi bật, khắc phục được nhiều điểm yếu của công nghệ pin hiện nay.
Cụ thể hơn, công ty Contemporary Amperex Technology (CATL ) đã giới thiệu nền tảng xe điện Panshi với ưu điểm lớn nằm ở tính an toàn. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, nền tảng Panshi có thể chống chịu lực khi gặp tai nạn ở tốc độ lên tới 120km/h mà pin sẽ không cháy hoặc nổ.
Đây cũng được giới thiệu là đặc điểm nổi bật nhất của sản phẩm.
Bên cạnh đặc tính an toàn cao, công nghệ nền tảng khung gầm xe điện Panshi của CATL còn có một số điểm nổi bật khác đáng nhắc tới, như có đủ dung lượng để xe đi tới 1.000km mỗi lần sạc.
Cùng với đó, một ưu điểm khác dự kiến sẽ khiến nhiều nhà sản xuất ô tô điện quan tâm là nền tảng này có thể rút ngắn một nửa thời gian phát triển một mẫu xe điện : Từ 36 tháng theo tiến trình thông thường xuống còn từ 12 đến 18 tháng.
Giám đốc Sản xuất của CATL , ông Ni Jun cho biết: "Từ trước đến nay chưa có bất kỳ mẫu xe năng lượng mới nào dám thử nghiệm va chạm trực diện đầu xe ở vận tốc 120km do tốc độ và lực quá lớn."
Thực tế, tốc độ thử nghiệm trong bài thử va chạm trực diện đầu xe do China New Car Assessment Program (China NCAP) thực hiện chỉ ở 56km/h. Tốc độ 120km/h do CATL đưa ra đã nhanh gấp đôi so với tốc độ mà China NCAP thực hiện.
Tên gọi Panshi mà CATL đặt cho khung gầm này cũng ám chỉ tính chắc chắn, an toàn của sản phẩm; Panshi có thể hiểu trong tiếng Việt là Thạch bàn. CATL cho biết hãng dự định bán sản phẩm này cho các nhà sản xuất xe cao cấp, những đơn vị đang tìm cách đẩy nhanh quá trình phát triển xe và giảm chi phí.
Chủ tịch Tăng Ngọc Quần của CATL đã từng nói đến dự án phát triển Panshi từ tháng trước. Khi đó, ông cho rằng Panshi có thể cắt giảm 10 triệu USD trong tổng chi phí phát triển một mẫu xe điện mới. Từ đây, các nhà sản xuất xe điện quy mô nhỏ có thể có lãi ngay khi chỉ cần bán được khoảng 10.000 xe/năm.
Thông tin được công bố cho thấy Avatr sẽ là hãng xe đầu tiên của thế giới ứng dụng nền tảng khung gầm Panshi này trên ô tô điện. Được biết, Avatr là thương hiệu xe điện do CATL , hãng xe Changan Auto (Trung Quốc), và Huawei cùng hợp tác xây dựng. Tuy nhiên, đại diện của Avatr lại không cho biết mẫu xe nào ứng dụng, cũng không nói thời gian ra mắt là khi nào.
CATL đã chào mời Panshi tới hãng xe Porsche, cho rằng nền tảng này phù hợp cho một mẫu xe điện cao cấp mới. Đồng thời, CATL cũng giới thiệu Panshi tới các nhà đầu tư tại UAE, những người đang cân nhắc việc thành lập hãng xe điện tại khu vực Trung Đông.
Hiện nay, CATL đang là nhà sản xuất pin xe điện lớn số 1 thế giới với thị phần lên tới 37%. CATL đang cung cấp pin cho nhiều nhà sản xuất trên thế giới, trong đó có VinFast; mẫu VF 8 và VF 9 là hai mẫu xe tiêu biểu của VinFast sử dụng pin của CATL .
CATL cũng đang phát triển các nền tảng xe điện tích hợp pin vào khung gầm xe (công nghệ Cell-to-Chassis, là công nghệ gắn thẳng cell pin vào khung gầm xe mà không cần qua pack pin riêng). Cùng với đó, CATL cũng đã thành lập hợp tác với một vài nhà sản xuất trên thế giới, trong đó có VinFast, để phát triển các mẫu xe điện dựa trên nền tảng đó trong suốt 2 năm qua.
Nhà sáng lập và Chủ tịch CATL , ông Tăng Ngọc Quần, đã thể hiện rõ rằng nền tảng khung gầm xe điện sẽ là sản phẩm chiến lược của CATL , có vai trò tối quan trọng trong mục tiêu đưa CATL phát triển mạnh hơn nữa. Bên cạnh nháy phát triển khung gầm cho xe điện , CATL cũng đang đầu tư ở điện lưới cơ sở và cả dịch vụ trạm đổi pin .
Điện lưới cơ sở có thể hiểu là các khu vực có lắp đặt các hệ thống sinh điện từ các nguồn tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành nhìn nhận rằng dịch vụ đổi pin có thể sẽ phát triển mạnh trong tương lai khi công nghệ pin đã đạt được mức độ phát triển cao.