Công ty cổ phần ANI (SIC) đã công bố BCTC quý 2/2018 với con số doanh thu và lãi đầy ấn tượng.
Theo đó doanh thu trong kỳ cao kỷ lục đạt 317,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 15,2 tỷ đồng và kể cả nhiều quý trước đó mỗi quý SIC cũng chỉ thu về vài chục tỷ đồng. Đây gần như toàn bộ là doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Sau khi trừ đi giá vốn SIC lãi gộp 21,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 20 triệu đồng.
Trong kỳ công ty có thêm hơn 7 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính do ghi nhận lãi tiền gửi tiền cho vay trong khi cùng kỳ chỉ thu về từ hoạt động này 444 triệu đồng nên sau khi trừ các khoản chi phí SIC lãi ròng 17,67 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 8,6 tỷ đồng – Được biết trước đó có 2 lần vào quý 4/2016 và quý 3/2017 SIC cũng đã từng báo lãi cao nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhận thanh lý chuyển nhượng chứ không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính, còn lãi mỗi quý nếu không lỗ thì SIC cũng chỉ báo lãi vài chục triệu đến vài tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh là do các dự án BĐS của công ty đã đi vào kinh doanh.
Nhờ lãi cao trong quý 2 mà cục diện nửa đầu năm 2018 của SIC vô cùng khởi sắc với doanh thu gần 318 tỷ đồng cao gấp 10 lần cùng kỳ, LNST đạt hơn 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 8,5 tỷ đồng. Mục tiêu kinh doanh năm nay của SIC là đạt 455.98 tỷ đồng doanh thu cao gấp 10 lần doanh thu thực hiện của 2017 và lãi ròng gần 56 tỷ đồng cao gấp 3,6 lần cùng kỳ do đó có thể thấy tham vọng trong 6 tháng cuối năm của SIC là rất lớn bởi mặc dù đã lãi cao trong nửa đầu năm nhưng SIC cũng mới chỉ hoàn thành được 34% mục tiêu lợi nhuận.
Được biết trước đó doanh nghiệp này đã đổi tên công ty từ CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà thành Công ty cổ phần ANI. Giải thích về thương hiệu mới này, ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc của SIC cho biết, thương hiệu ANI có nghĩa là "A New Idea", mang ý nghĩa về định hướng phát triển công ty trong thời gian tới. Thương hiệu mới cũng thể hiện phương châm làm việc của toàn bộ đội ngũ nhân sự của SIC là luôn luôn đổi mới, sáng tạo. "Đây là bước quan trọng trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới, đồng bộ từ tên, logo, slogan cũng như tên các Dự án mà SIC đang triển khai sau khi không còn là thành viên của Tổng công ty Sông Đà", lãnh đạo SIC cho hay.
Trước đây, giống như nhiều doanh nghiệp thuộc dòng họ Sông Đà khác, ngoài hoạt động chính trong ngành đầu tư, kinh doanh các công trình thủy điện vừa và nhỏ, SIC còn tham gia trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản. Do từng là công ty con của Tổng công ty Sông Đà, SIC được thừa hưởng lợi thế về quỹ đất "khủng".
Đáng chú ý mới đây SIC công bố miễn nhiệm chức vụ Phó TGĐ đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, trước đó bà Loan được phân công phụ trách dự án Sông Đà Riverside sau khi bổ nhiệm bà Loan vào vị trí này chưa đầy 1 năm. Bà Nguyễn Thị Như Loan hiện cũng đang làm Chủ tịch HĐQT của CTCP Quốc Cường Gia Lai.
Bên cạnh đó vào cuối năm ngoái dự án Sông Đà Riverside đã được SIC chuyển nhượng cho CTCP Quốc tế An Vui mà người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thị Như Loan kiêm luôn Tổng giám đốc. Giá trị thực chuyển nhượng của dự án này là 280,5 tỷ đồng; Tuy nhiên trước đó trong quý 4/2017 và quý 1/2018 chưa thấy ANI ghi nhận doanh thu từ hoạt động này theo đó nhiều khả năng khoản doanh thu này đã được công ty ghi nhận trong quý 2/2018.