Theo Bangkok Post, Thái Lan có kế hoạch đàm phán với chính phủ Lào và Trung Quốc về việc thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực hậu cần và vận tải hàng hóa thông qua tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu hoa quả tươi.
Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan hôm Jurin Laksanawisit 10/1 cho hay, nếu nước này đạt được thỏa thuận hợp tác về hậu cần và vận tải hàng hóa thông qua tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung, thì trao đổi thương mại xuyên biên giới tổng thể giữa Thái Lan và Lào, Trung Quốc cũng sẽ được đẩy mạnh.
Thái Lan muốn tận dụng tối đa đường sắt Lào-Trung
Tuyên bố trên vừa được Bộ trưởng Jurin đưa ra sau chuyến thăm trạm kiểm soát hải quan tại Cầu Hữu Nghị Thái-Lào ở tỉnh Nong Khai và cuộc gặp gỡ các đại diện của Phòng Thương mại Thái Lan, cùng các công ty tư nhân vùng Đông Bắc nước này.
Theo ông Jurin, Bộ Thương mại Thái Lan đang xúc tiến "chiến lược thương mại biên giới" để tận dụng dự án tàu cao tốc Lào-Trung vừa chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 12/2021. Dự án này cũng hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và thương mại xuyên biên giới của Thái Lan.
Kim ngạch thương mại Thái Lan-Lào đạt gần 200 tỷ baht trong năm 2021, tăng 12,58% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ Thái Lan chiếm 112,437 tỷ baht, tăng 20,13% so với năm 2020, giúp Thái Lan đạt mức thặng dư thương mại 31 tỷ baht.
Ông Jurin cũng cam kết sẽ tận dụng tối đa tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung để vận chuyển nhiều hàng hóa hơn. Hiện tại, Trung Quốc chỉ cho phép vận chuyển các loại hàng hóa như quặng kim loại, cao su và các mặt hàng từ củ sắn qua đường sắt cao tốc.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết: "Chúng tôi dự định đàm phán với chính phủ Trung Quốc để được vận chuyển hoa quả Thái Lan [bằng đường sắt] trong mùa thu hoạch tới - từ tháng 3 đến tháng 5/2022."
Cuối tháng trước, Chính phủ Thái Lan đã thành lập một hội đồng chuyên trách do Bộ Giao thông vận tải nước này đề xuất, nhằm phối hợp tốt hơn với các cơ quan giao thông vận tải ở Lào về kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt liên kết hai nước láng giềng.
Tàu cao tốc Lào-Trung. Ảnh: Reuters
Tuyến đường sắt này là một phần của dự án đường sắt cao tốc liên kết hệ thống đường sắt của Thái Lan với tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung - kết nối giữa thành phố Côn Minh ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Tại Thái Lan, dự án xây tuyến đường sắt kết nối được chia thành ba giai đoạn: đoạn Bangkok-Nakhon Ratchasima dài 253 km, đoạn Nakhon Ratchasima-Nong Khai dài 356 km và đoạn Nong Khai-Vientiane dài 16 km.
Tuy nhiên, ông Aat Pisanwanich, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế tại trường Đại học trực thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, lại lo ngại rằng tuyến đường sắt mới có thể dẫn đến nhập siêu do nguồn hàng nhập khẩu hoa quả tươi, rau quả và các sản phẩm khác từ Trung Quốc dễ vào Thái Lan hơn trước.
Ông Aat đề xuất Thái Lan nên tăng tốc xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng như trung tâm phân phối, cảng cạn, hoặc cây cầu thứ hai kết nối Nong Khai và Lào, đồng thời cho rằng Thái Lan nên xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu để tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng.
Việt Nam có nhiều "đối thủ" khó nhằn
Trước đó, truyền thông đã đưa tin về việc Campuchia và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại, qua đó cho phép Campuchia tiếp cận thị trường có nhu cầu cao với nhiều sản phẩm nông sản - bao gồm trái xoài - từ châu Á, nhờ việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0.
Kim ngạch nhập khẩu xoài hàng năm của Trung Quốc, bao gồm cả sản phẩm tươi lẫn chế biến, đã liên tục tăng trong nhiều năm qua, và tăng đột biến gấp 5 trong giai đoạn 2019-2020.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 84.000 tấn xoài, 80% số này đến từ Việt Nam, báo cáo của FAO vào 2020 thông tin. Tuy nhiên, Campuchia đã được cấp hạn ngạch xuất khẩu cả năm lên đến 500.000 tấn, với nguồn cung dồi dào và chất lượng sản phẩm cao, xoài Việt Nam sẽ phải giảm giá để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu tính các loại hoa quả nói chung, thì Thái Lan mới là nước châu Á xuất khẩu hoa quả và sầu riêng lớn nhất tới quốc gia 1,4 tỷ dân trong năm 2020, theo SCMP. Đây một thành công mà chính phủ Thái cho rằng nhờ vào các FTA mà nước này đã kí kết với Bắc Kinh, cũng như giữa Trung Quốc và ASEAN.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hồi tháng 5/2021 từng cảnh báo: nhiều loại hoa quả xuất khẩu có tiềm năng của Việt Nam như sầu riêng, bưởi, măng cụt, thanh long cũng bị cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Myanmar.
Cũng trong tháng 5/2021, Trung Quốc đã mở đường nhập khẩu măng cụt Thái Lan qua cửa khẩu Đông Hưng thuộc Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc).
Cuộc cạnh tranh xuất khẩu ngày càng khó nhằn khi mới đây, nhiều cửa khẩu ở Lạng Sơn, Việt Nam, xuất hiện tình trạng ùn ứ xe hàng chờ thông quan sang Trung Quốc dài ngày. Nguyên nhân là do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Thái Lan đã được Trung Quốc tạo điều kiện "mở đường" trước, cho phép tạm thời thông quan mặt hàng hoa quả từ ngày 4/1 để giúp giảm bớt tình trạng ùn ứ các loại hoa quả tươi, nhất là sầu riêng và nhãn tại cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc./.