Đại gia Việt ghi nhận lợi nhuận 6 tháng cao gấp 4 lần cả năm 2020 nhờ xuất khẩu tăng mạnh và giá thép tăng cao, nhu cầu tiêu thụ thép tại Âu - Mỹ tăng vọt trong khi một số nước, trong đó có Trung Quốc gặp khó.
CTCP Thép Nam Kim (NKG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ lên trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần.
Trong nửa đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận lãi ròng gần 1.170 tỷ đồng, cao gấp 20 lần cùng kỳ và gấp khoảng 4 lần lợi nhuận cả năm 2020. Lợi nhuận của doanh nghiệp này đã đạt 94% kế hoạch năm.
Theo giải trình, kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng vọt là nhờ xuất khẩu, nhất là vào châu Âu và Bắc Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và giá tôn thép lên cao. Trong 6 tháng, riêng mặt hàng tôn xuất khẩu của NKG đạt hơn 300 nghìn tấn, tương đương 64% tổng sản lượng trong kỳ.
Việc EU duy tri các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm ba năm nữa mà chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôn-thép Việt Nam hưởng lợi.
Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ và Thép Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong thời gian gần đây.
Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu thép tại châu Âu và Bắc Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhờ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn.
Thị trường thép biến động có lợi cho nhiều doanh nghiệp Việt. |
Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận sau thuế của HPG đạt mức cao kỷ lục mới là 9.700 tỷ đồng trong quý II/2021, tăng 50%.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chênh lệch giá giữa châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng sẽ khiến xuất khẩu thép có thể tiếp tục tăng mạnh nửa cuối năm. Biên lợi nhuận sẽ cao cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. VDSC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021 như trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, sức cầu tiêu thụ nội địa trong quý III có thể thấp hơn quý II do mùa mưa và tác động của làn sóng Covid-19 mới, vốn đang khiến cho hoạt động xây dựng trở nên trì trệ.
Trong mảng thép xây dựng, Hòa Phát và Formosa tiếp tục gia tăng thêm thị phần. Trong khi đó, trong mảng tôn mạ, Hoa Sen và Nam Kim đang đyả mạnh xuất khẩu.
Nhóm cổ phiếu ngành thép tăng giá mạnh trong nửa đầu năng nhưng đang ghi nhận mức giảm điểm sâu trong hơn 1 tuần qua. Tình trạng này khiến nhiều người lo ngại triển vọng của ngành này xấu đi, nhất là trong quý III.
Dù vậy, triển vọng chung của ngành này vẫn được đánh giá khá tích cực nhờ sự gia tăng nhu cầu hậu Covid-19 lớn, vượt quá khả năng sản xuất của các nhà cung cấp. Nhu cầu tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu vẫn sẽ rất lớn. Trong khi đó, lãi suất có thể giảm và mang đến thêm lợi nhuận cho các nhà sản xuất.
Ở chiều ngược lại, theo Mirae Asset, giá thép tăng cao tốt trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ có những ảnh hưởng nhất định nhu cầu trực tiếp của ngành thép. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã quyết định tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá mạnh.
Theo YSVN, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 1.312-1.315 điểm trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, thị trường đang bước vào giai đoạn giằng co cho nên thị trường có thể sẽ biến động hẹp và đi ngang với khối lượng giao dịch ở mức thấp, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục ở trong vùng bi quan thái quá cho nên thị trường vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn. Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hồi phục tích cực hơn cho thấy tính chất “đầu cơ” có thể gia tăng ở những phiên giao dịch tới.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 13/7, chỉ số VN-Index tăng 1,24 điểm lên 1.297,54 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 3,72 điểm lên 296,7 điểm. Upcom-Index tăng 1,47 điểm lên 85,35 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt 18,7 nghìn tỷ đồng.
V. Hà