Phí đổi tiền nhảy múa
Dọc phố Đinh Lễ, địa điểm thường có hoạt động đổi tiền đồng Việt Nam và cả ngoại tệ tại Hà Nội. Gần ngã ba phố Đinh Lễ giao với phố Đinh Tiên Hoàng, một phụ nữ mặc áo khoác trắng, đeo túi nhỏ qua vai nom giống dáng “nhà cái” chủ động chạy ra hỏi: “Đổi tiền à em ơi”. Sau cái gật đầu, chúng tôi được kéo vào phía trong vỉa hè để trao đổi.
Người phụ nữ này cho biết, tiền năm nay hiếm lắm, mệnh giá 2000 đồng và 1000 đồng, chênh 30% (nếu đổi một triệu đồng tiền cũ, khách hàng chỉ nhận về 700 nghìn đồng-PV). Tiền mệnh giá 5000 có mức chênh 20%. “Nếu đổi nhiều, có giảm đi 1 chút, nhưng không nhiều đâu vì năm nay hiếm”, người phụ nữ này ghé tai nói.
Ghé qua hàng nước đối diện, lập tức có hai phụ nữ trung tuổi chạy ra. Người phụ nữ áo đen đi thẳng vào “vấn đề”. “Em muốn đổi bao nhiêu cũng có, ở đây chị cầm cái, chỉ cần báo trước, gọi điện thoại trước theo số 0918.406.9xx, chị “ship” đến tận nơi, không giao hàng ở đây” - chị này nói.
Giá chênh của nhà cái này đưa ra thấp hơn. Tiền mệnh giá 5000 đồng, 2000 đồng, 1000 đồng là 8%; lấy nhiều sẽ ở mức 7%. “Khu Hà Trung (một điểm đổi tiền khác tại trung tâm Hà Nội), người ta còn phải lên đây lấy của chị” - nhà cái này nói.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, dịch vụ đổi tiền lẻ tại các điểm khác tại Hà Nội như cổng chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), chùa Hà (quận Cầu Giấy)… hoạt động đổi tiền lẻ tuy có kín đáo nhưng vẫn diễn ra. Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội nhiều người lại công khai quảng cáo về dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với mức chênh lệch rẻ hơn đổi trực tiếp. Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền Tết” hoặc “đổi tiền online”, người tìm kiếm sẽ nhận được hàng trăm kết quả trang web đổi tiền, kèm điện thoại, địa chỉ giao dịch. “Chị muốn đổi mấy tệp 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng về quê mừng tuổi. Phí bao nhiêu em?”, chúng tôi hỏi một đầu mối trên trang doitienmoi.vn. “Tùy mệnh giá, 10 nghìn đồng phí đổi là 7%, 20 nghìn đồng là 9%. Nếu chị “ok”, nhắn địa chỉ em cho người giao đến tận nơi, đảm bảo tiền tươi, mới tinh”, một giọng nữ đầu dây bên kia đon đả đáp lời.
Ðổi tiền “ăn” chênh lệch là vi phạm pháp luật
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông luật (TP Hồ Chí Minh), việc đổi tiền ăn chênh lệch là hành vi bị cấm. Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, đổi tiền không đúng quy định (ăn chênh lệch) bị phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các cá nhân vẫn đổi tiền, nhất là khi nguồn tiền mới được đổi hợp pháp tại các ngân hàng. Cụ thể, tại cuộc họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra sáng 24/12/2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá nhỏ. Ông Tú cho biết, trong mấy năm qua, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Một nhân viên của ngân hàng ACB cho biết, nhu cầu đổi tiền lẻ mừng tuổi, đi lễ chùa năm nào cũng có, nhưng mấy năm nay khó khăn hơn, bởi số lượng tiền lẻ trong ngân hàng không còn nhiều. “Chúng tôi toàn phải ngồi nhặt tiền như cô Tấm hoặc nhờ vả người này người kia, ai có thì đổi thôi”, nhân viên ngân hàng này nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho hay, tiền lì xì hay tiền mừng tuổi, tiền mở hàng thể hiện tính vị tha, chia sẻ, ban tặng sự may mắn. Đó là tập quán tốt đẹp, đáng lưu giữ. Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, quan niệm mừng tuổi vẫn ăn sâu vào thói quen của người dân, coi như đó là hành động để chúc mừng. “Tuy nhiên, chúng ta cần phải điều chỉnh thói quen này, thay vào đó chúng ta hãy dùng những lời chúc, những hành động chân thành, lâu dần chúng ta sẽ hình thành nên thói quen mới” - chuyên gia này nói. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới là động thái đáng ghi nhận để hạn chế bớt chi phí của Nhà nước.
Nói về nguồn tiền mới vẫn được các đầu nậu tuồn ra thị trường, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho hay: “Nếu đổi phải nguồn tiền không rõ nguồn gốc, tiền giả, người dân có thể sẽ gặp phải nhiều rủi ro. Theo tôi, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để làm rõ điều này”.