Nhộn nhịp "chợ" tiền mới
Chỉ cần gõ cụm từ "đổi tiền lẻ", "đổi tiền mới" lên thanh tìm kiếm của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo hay trên Google..., ngay lập tức người dùng sẽ nhận về hàng nghìn bài viết công khai dịch vụ đổi tiền với những lời quảng cáo có cánh "loại gì cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, phí rẻ". Đặc biệt, không ít tài khoản trang mạng xã hội còn mạnh tay chi tiền chạy quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, nhận “đổ buôn” tiền nhằm thu hút nhiều người quan tâm, giao dịch.
Theo các quảng cáo này, mọi loại tiền đều có sẵn với mức phí đổi linh hoạt theo từng loại tiền và từng thời điểm, phục vụ giao hàng tận nơi, áp dụng cho cả khách hàng ở xa.
Qua tìm hiểu của phóng viên TTXVN, thời điểm này mức phí đổi tiền mệnh giá lớn như 100.000 - 200.000 đồng dao động từ 3 - 6%, tiền lẻ từ 1.000 - 2.000 đồng từ 10 - 15%. Như vậy, nếu đổi khoảng 2 triệu đồng mệnh giá 2.000 đồng, người dân có thể mất tới 300.000 đồng tiền phí. Đối với khách hàng có nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, mức phí này theo quảng cáo sẽ được chiết khấu phải chăng.
Tuy nhiên, với những tờ tiền có số seri đẹp như năm sinh hay mang các yếu tố tâm linh hoặc thời điểm đổi tiền sát Tết, mức phí giao dịch rất hỗn loạn, thậm chí còn lên tới 30 - 35%. Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, trên "chợ" tiền mới còn rao bán cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền.
Chẳng hạn tờ tiền mệnh giá 2 USD (tương đương gần 50.000 đồng) in hình con mèo, biểu tượng của năm Âm lịch 2023 có giá lên tới 200.000 đồng/tờ. Với những tờ tiền có số seri đẹp, giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng.
Cẩn trọng "bẫy" lừa
Đặc điểm của hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới, tiền độc, lạ là thường giao dịch qua mạng. Người bán yêu cầu khách hàng chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng phí chênh lệch rồi mới giao tiền theo yêu cầu. Không ít người khi nhận về, cọc tiền bị rút ruột, lẫn tiền cũ, nát, thậm chí cả tiền giả.
Theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…
Mới đây, tại Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.